Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Tản văn Làng ven sông ngày ấy

TRẦN QUANG LỘC


                          Làng ven sông NGÀY ẤY

                                            Tản văn

Làng tôi, ngôi làng nhỏ của một huyện miền trung du. làng nằm ven sông, dòng sông quê êm đềm lặng lẽ xuôi về cửa biển. Xa xa, tận phía cuối làng là dãy đồi sim nhấp nhô một màu thẫm tím.

Hồi nhỏ, có lần tôi theo ông nội tôi đi chơi trên tỉnh về. Lúc đứng chờ đò sang sông, ông tôi chỉ tay về phía làng, bảo : "Với thế núi đó, hình sông đó, làng ta thuộc diện địa linh, nhân kiệt. Thời nào làng ta cũng có nhiều người học hành đỗ đạt, làm nên danh phận". Thời nào thì tôi chưa biết chứ thời bấy giờ, làng tôi đã có mấy ông đậu bằng bác sĩ, kĩ sư đang làm việc trên tỉnh, ba tôi đậu cử nhân khoa sư phạm ngữ văn. Ông tôi đỗ đầu khoa thi Hương cuối cùng triều Nguyễn. Trong làng còn có nhiều cụ đồ nho nổi tiếng văn hay chữ tốt. Các cụ thường đến nhà chơi cờ hoặc bàn chuyện văn chương chữ nghĩa thánh hiền với ông tôi. Nghe nói thời Chúa Trịnh Sâm, làng có hai người đậu tiến sĩ

Nhà ông tôi, ngôi nhà lá mái năm gian cũ kỹ tồn tại từ thời cụ kỵ. Gian phía tây ông tôi dùng làm phòng mạch Đông y. Gian giữa thờ phụng tổ tiên. Tường phía đông giáp với cửa hàng tạp hóa của mẹ tôi cạnh bến đò ngang. Nhà được xây trên khu đất cao ráo, thoáng đãng, quay mặt ra dòng sông xanh êm đềm. Mùa hè, gió từ mặt sông thốc lên lồng lộng. Đứng trước sân nhà có thể ngắm nhìn thõa thích toàn cảnh bến quê với những chuyến đò ngang mái chèo khoan nhặt nối liền hai bờ lau trắng lưa thưa. Ngày đông tháng giá, quê tôi lảng đảng một màu sương khói. Gam màu buồn thường gợi lên nỗi hoài niệm bâng khuân man mác. Vào những mùa trăng, ông tôi thường bắc ghế ngồi trước sân nhà thả hồn lênh đênh trên dòng nước loang loáng ánh vàng với những chuyến đò đêm lặng lẽ. Lúc cao hứng, ông ngâm thơ sang sảng. Ông tôi thuộc rất nhiều thơ Đường ! Có bài thơ ông ngâm đi ngâm lại nhiều lần đến nỗi tôi nghe thuộc như cháo chảy. Sau nầy tôi mới biết đó là bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế đời Đường.

Sau ngày nội tôi mất, ba tôi xin thôi dạy về thay ông tôi tiếp tục hành nghề bốc thuốc. Nghề cứu người cha truyền con nối đã mấy đời không thể bỏ được. Với nghề bốc thuốc, ba tôi rất mát tay. Nhiều căn bệnh hiểm nghèo Tây y bất lực, gặp ba tôi là khỏi hẳn. Ba tôi còn được một ông thầy Tàu mách cho mấy phương thuốc Nam bí truyền từng chữa khỏi hẳn những chứng nan y. Tiếng lành đồn xa. Quầy bốc thuốc Đông y cạnh bến đò ngang lúc nào cũng có tiếng giã thuốc lịch bịch, leng keng, người ra vào nhộn nhịp. Bệnh nhân thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, trong vùng có, từ các tỉnh xa nghe tiếng tìm đến cũng nhiều. Ngoài sở trường Đông y, ba tôi còn biết thêm chút ít Tây y nhờ tham dự khóa học sáu tháng do một cơ sở y tế tổ chức. Với Tây y, ba tôi chỉ dùng vào việc cấp cứu. Việc chữa bệnh, ba tôi không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, thù bạn. "Đã là bệnh nhân phải được chữa trị bình đẳng bằng lương tâm người thầy thuốc", ông tôi thường khuyên ba tôi như thế. Nhưng cái khoản y phí, ba tôi phân định rạch ròi. Bệnh nhân thuộc thành phần giàu có, ba tôi tính tiền sòng phẳng. Thường thường bậc trung, lấy giá phải chăng. Diện nghèo khó neo đơn, ba tôi miễn phí hoàn toàn, thậm chí còn giúp tiền tàu xe nếu người bệnh ở xa. Không ít người được ba tôi chữa khỏi bệnh, họ mang quà cáp lặn lội từ xa đến để gọi là đền ơn đáp nghĩa. Cũng tùy trường hợp mà ba tôi nhận hay không nhận. Y đức ba tôi ngày càng lan rộng, được mọi người quý trọng, kính nể không thua kém nội tôi ngày trước.

Thường những buổi trưa hè rỗi việc, ba con tôi mang lồng đi nhử cu cườm trên các rẫy lúa, rẫy đậu dưới chân đồi. Không gì thú vị bằng được nằm dưới tán lá xum xuê nghe cu cườm gáy lúc xao xác bên tai, lúc mơ hồ xa vắng ! Khác với họa mi, sơn ca, khướu ... cu cườm chỉ gáy. Âm giọng khi gần khi xa, lúc khoan lúc nhặt thoáng gợn chút buồn man mác vu vơ vừa gợi lên khung cảnh đồng quê thanh bình êm ả. Thật khó mà dùng ngôn ngữ để lột tả hết tiếng gáy độc đáo của giống cu cườm vào những buổi trưa hè. "Cu cườm xuất hiện báo hiệu một vụ mùa bội thu". Ba tôi bảo thế.

Vào một buổi trưa, ba tôi đang nằm thư giãn trên lớp cỏ non tơ ngắm nhìn trời xanh qua những tán lá rừng nghe cu gáy râm ran. Bỗng có tiếng bẫy sập đánh "cách", tiếp đến là tiếng vỗ cánh phành phạch. Ba tôi ngồi bật dậy quơ lấy cây sào trúc một đầu có móc sắt hạ chiếc bẫy từ trên đọt cao xuống. Một chú cườm tơ đã bị sa lưới ! Ba bảo tôi bắt thả vào chiếc lồng tre. Ôi, một chú chim tơ tuyệt đẹp, lông cổ mới trổ cườm lác đác. Nó cứ nghiêng nghiêng cái đầu tròn nhỏ nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên lạ lẫm bằng đôi mắt như hai hạt đậu đen. Vuốt ve chú cườm tơ một lúc rồi không hiểu sao, tôi tung nó lên trời bảo : "Mày gáy hay lắm cườm ơi ! Hãy bay đi". Ba tôi đang nằm bỗng ngồi bật dậy. Tôi đinh ninh thế nào cũng bị một cái nhéo tai đau điếng. Nhưng không, ba tôi gật gật đầu mấy cái, nói : "Không phải chỉ có mình nó gáy hay. Giống cu cườm đều gáy hay như nhau cả". Nói xong, ông mở bật nắp lồng tre. Những chú chim vừa bị mắc bẫy lần lượt tung cánh. Ba con tôi ngắm nhìn những cánh chim quần đảo chao liệng một lúc rồi mất hút giữa trời xanh mây trắng. Rời khỏi đồi sim, chúng tôi vẫn còn nghe tiếng gáy râm ran của giống chim quen thuộc. Từ hôm đó, ba tôi không đi săn bắt giống cu cườm nữa. Ông dành thời gian nhàn rỗi vào việc nghiên cứu y thuật hay nói chuyện văn chương với các cụ đồ nho trong làng. Còn tôi, tôi trở lại với góc trời hồn nhiên trong sáng của mình. Những lúc đi xa, mỗi lần bắt gặp âm điệu mang đậm hồn quê đó, tôi cứ thấy nhớ làng, nhớ quê da diết.

Tuy là con một, chăm ngoan, học sinh xuất sắc trường làng, nhưng không phải vì thế mà ba má tôi nuông chìu, dễ dãi. Phép nhà xưa nay nghiêm lắm. Theo lời ba tôi kể lại, hồi ba tôi mới ra trường dạy học trên phố huyện, đôi lúc vì ham vui nên bỏ giờ, bỏ lớp. Biết chuyện, ông nội gọi ba tôi về bắt nằm sấp trên tấm phản gụ quất hai chục roi quắn đít. Thi hành lệnh phạt xong. Ông tôi bắt đầu thuyết giảng về cái đạo làm thầy. Cuối cùng ông bảo, người thầy không những là tấm gương sáng cho học sinh noi theo mà còn để cho người đời soi rọi nữa. Dạy học mà không có cái tâm của người thầy thì hỏng cả một thế hệ. Từ đó, ba tôi lấy lời giáo huấn của ông tôi để rèn luyện đạo làm thầy. Đến thế hệ tôi. Tôi cũng không ít lần bị ba má tôi bắt nằm sấp trên phản gụ, trật mông quất mười roi. Phép nhà xưa nay là vậy, gia phong phải giữ.

Ngoài việc học tập, tôi còn phải giúp ba tôi giã thuốc hoặc trông coi cửa hàng tạp hóa mỗi khi má tôi sang bên kia sông mua thêm hàng họ. Cửa hàng tạp hóa của má tôi cạnh bến đò ngang. Không ai biết bến đò ngang có từ lúc nào nhưng cây đa trên bến thì to lắm, to đến nỗi năm người dang tay ôm không hết. Cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, tán lá xum xuê che mát cả bến sông. Rễ đa đan chéo nhau chạy dọc theo triền sông tạo thành tấm lưới chắn tự nhiên vững chắc. Nhờ thế mà bến đò không bị xâm thực, không bị sạt lở mỗi mùa lũ quét.

Bến đò làng tôi lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, tiếng gọi đò ơi ới. Trời vừa hừng đông chưa tỏ mặt người, bà con trong làng đã mang rau, quả, gà vịt ... ra bến chờ đò sang sông đưa vào chợ huyện. Trưa, họ trở về với đủ thứ linh tinh như phân bón, cuốc, xẻng, ấm, chén ... Bến đò kẻ lên người xuống nhộn nhịp, đò ngang đi lại như con thoi. Có khi đến tận khuya vẫn còn nghe văng vẳng tiếng gọi đò. Ngày nào cũng có vài ba chuyến đò dọc từ miệt biển hoặc từ thượng nguồn cập bến. Chủ đò ghé vào quán mẹ tôi uống nước chè xanh, hút thuốc lào, nói chuyện vặt. Sau đó mua mấy thứ linh tinh rồi xuống đò nhổ neo tiếp tục cuộc hành trình.

Vào dịp hè, tôi mới có đủ thời gian để rong chơi cùng bạn bè trong làng. Lúc thì chúng tôi kéo nhau đi dọc triền sông săn bắt những chú dế mèn đen nhẫy đem về chọi thi; khi lại theo chuyến đò sang sông leo lên khu đồi cao nhất vừa hái sim chín, vừa ngắm nhìn phong cảnh làng quê êm đềm trong nắng chiều bảng lảng. Rong chơi chán về nhà nằm đọc truyện Tàu, đọc sách nhóm Tự lực Văn đoàn. Thú vị nhất là những ngày hội làng được tổ chức hàng năm trên sân đình vào đầu tháng hai âm lịch. Lúc nầy, lũ nhóc chúng tôi tha hồ đi xem múa lân, xem đua thuyền. Tối ra sân đình xem hát bội. Nói chung, trong dịp hè, lũ trẻ nông thôn chúng tôi hồi đó có nhiều cuộc chơi thú vị lắm!

Ngày nay, công cuộc đô thị hoá nông thôn đang diễn ra với nhịp độ chóng mặt. Văn minh hiện đại ngày càng len lỏi đến tận vùng sâu vùng xa làm thay đổi bộ mặt nông thôn nghèo nàn lạc hậu, nhưng ở chừng mực nào đó, nó đẩy lùi nếp sống văn hoá, khuấy động đời sống tình cảm của người dân nông thôn đã được hun đúc từ nghìn đời. Không ít làng quê xa xôi yên bình suốt một chiều dài lịch sử bỗng trở thành thị trấn nhộn nhịp ầm ĩ bởi xe cộ, bởi nhà hàng, khách sạn, phòng karaoke lần lượt mọc lên. Nạn trộm cắp, xù huê giựt hụi, tranh nhà lấn đất, chụp giựt cơ hội làm giàu cũng bắt đầu nảy sinh dẫn đến tình trạng chửi rủa nhau, thậm chí còn đâm chém lẫn nhau bất kể tình làng nghĩa xóm vốn có từ nhiều thế hệ.

Trước cơn lốc đô thị hoá, làng ven sông vẫn bình yên thanh thản như vốn có từ lâu đời: vẫn những chuyến đò ngang lặng lẽ nối liền hai bờ lau trắng, vẫn tiếng gọi đò văng vẳng trong sương, vẫn tiếng cu gáy mơ hồ xa vắng mang đậm hồn quê; dân làng tôi vẫn thật thà nhân hậu, ngày xuân vẫn trai gái hội làng...

Cậu em út của tôi năm vừa rồi tốt nghiệp xuất sắc ngành sư phạm được nhà trường giữ lại cho học tiếp làm giảng viên, nhưng nó một mực xin về làng vừa dạy học, vừa giúp ba tôi bốc thuốc cứu người.

Còn tôi, vẫn mang cái kiếp giang hồ vặc nên đâu cũng là quê hương!

T.Q.L





2 nhận xét:

  1. "Còn tôi, vẫn mang cái kiếp giang hồ vặc nên đâu cũng là quê hương!"
    Lang thang bắt gặp người quen, Đọc câu kết của bài viết nghe "thật đã", hihi...
    Chúc anh Lộc cùng gia đình có một Giáng Sinh cùng năm mới vui vẻ và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  2. Cam on Tocnguyet ghe tham blog cua minh va de lai comment. Chuc ban mot mua xuan tran day hanh phuc va sang tac tot!

    Trả lờiXóa