Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

truyen ngan THOI HOA DO TRAN QUANG LOC

Chiếc xe khách 15 chỗ ngồi đang bon bon hướng về thành phố Buôn Ma Thuột bỗng dưng có triệu chứng chết máy. Tài xế phải cho xe dừng lại trước một quán cà phê nằm ven quốc lộ 14 để sửa chữa. Hành khách lần lượt rời xe đi vào quán ngồi chờ cuộc hành trình tiếp tục. Đang đứng trước quầy hàng hỏi mua bao thuốc lá, bỗng có ai đó đặt tay lên vai mình, ra lệnh: - Đồng chí theo tôi lên phòng trực ban làm bản kiểm điểm! Tôi ngạc nhiên quay lại… Trước mặt tôi lúc này là một gã đứng tuổi, râu quai nón, khuôn mặt chữ điền. Anh ta đang nheo nheo mắt nhìn tôi ra vẻ chế diễu. Sau vài giây lục tìm trong ký ức, tôi chợt kêu lên, giọng đầy phấn khích: -Dũng Râu! Vâng, Dũng Râu là đàn anh của tôi hồi chúng tôi còn trong quân ngũ. Nhìn bộ trang phục anh đang mặc, tôi đinh ninh anh là công nhân của một xí nghiệp nào đó, nếu không cũng là bác thợ hồ, hoặc gã xe ôm đang loanh quanh kiếm khách thì tình cờ gặp lại người quen. Với cái kiểu dáng ngày xưa, anh đứng dạng chân, khoanh tay trước ngực, nheo nheo mắt nhìn tôi qua đôi hàng lông mày rậm: -Hóa ra chú em vẫn còn nhận ra người cũ! -Làm sao em quên được cái bộ râu sát gái của anh. Vậy mà em cứ tưởng anh đã lặn khỏi cuộc đời này rồi chứ! Anh cất giọng cười khơ khớ: -Chưa đâu, cuộc đời này còn nợ anh mà, nợ nhiều lắm! Lặn làm sao được? Vẫn cách nói không giống ai!. Người ta, nhất là cánh văn nghệ sĩ thường rên rỉ với nhau rằng, còn nặng nợ với đời, nợ văn chương, nợ chữ nghĩa!. Còn anh, anh lại bảo đời còn nợ anh, nợ nhiều lắm! Cứ tưởng sẽ không bao giờ còn gặp lại anh nữa trong cuộc đời này. Tình bạn giữa tôi và anh của thời chinh chiến mờ nhạt dần và đã tan biến theo dòng thời gian. Nếu còn sót lại chút gì cũng đã bị vùi sâu trong tận cùng ký ức. Cuộc chiến ác liệt đi qua, tiếp đến là hơn phần ba thế kỷ với những khó khăn gian khổ của thời bao cấp, những bon chen chìm nổi vì cuộc mưu sinh trong kinh tế thị trường, bao nhiêu đó cũng đủ làm đầu óc tôi choáng ngợp quay cuồng rồi, còn thời gian đâu để nhớ, để quên, nhất là những chuyện đã lùi xa, rất xa vào dĩ vãng? Vậy mà hôm nay, tôi bỗng gặp lại anh trên cái phố núi heo hút mù sương, những kỷ niệm của một thời trận mạc cũng theo về… Mùa hè năm 1972, sau trận quần thảo ác liệt với một trung đoàn thuộc sư 22 ngụy dưới chân đèo Bình Đê, đơn vị X phải lui về tuyến sau vừa để dưỡng quân, vừa bổ sung quân số. Một sinh viên văn khoa con nhà trí thức, giàu có, bỏ học nửa chừng theo cách mạng rồi trở thành lính mới của một đơn vị bộ binh từ năm đó. Lần đầu tiên được đứng vào hàng ngũ lực lượng vũ trang, về quân phong, quân kỷ, tất nhiên tôi sẽ quen dần, nhưng cái chứng đói không thể một sớm một chiều mà khắc phục được. Mặc dù mang tiếng là đơn vị đang trong thời kỳ dưỡng quân tại một khu rừng ven biển miền Trung, nhưng lương thực thực phẩm vẫn còn đang thiếu thốn trầm trọng. Lính trong đơn vị thường phải ăn cơm độn khoai với rau rừng chấm muối mà vẫn chưa đủ no. Nhiều bữa, cái đói lồng lên như con ngựa chứng hành tôi dữ dội, đôi lúc nảy sinh ý nghĩ rời bỏ hàng ngũ! Bắt chướt một vài lính đàn anh, thường những buổi trưa, tôi lộn vào rừng tìm hái quả chiêm chiêm, dú dẻ, chuối, ổi, táo…, nói chung là tất cả những thứ quả nào ăn được đều hái đem về cho vào ba lô con cóc, gọi là “tích cốc phòng cơ”. Một đêm, đã quá nửa khuya, cái đói bỗng lồng lên hành hạ!. Lục tìm trong “kho dự trử”, không còn sót lại một thứ gì! Chợt nhớ ra, buổi trưa hôm đó không vào rừng hái quả. Trong lúc bao tử đang cồn cào, sôi sục, tôi sực nghĩ đến khu nhà bếp của đơn vị cách chỗ tôi chưa đầy ba trăm mét.. Ý nghĩ thật mạo hiểm, táo bạo! Nhưng biết làm sao bây giờ vì chỉ ở nơi đó may ra mới giúp tôi thoát khỏi cơn đói đang hoành hành?! Ý nghĩ lập tức được thể hiện bằng hành động, tôi rón rén rời khỏi lán trại. Như một lính đặc công nhận mật lệnh tiếp cận cứ điểm trọng yếu của địch, tôi thận trọng lần dò từng bước men theo bóng tối, leng lỏi giữa các bụi cây rừng tiến sâu vào mục tiêu. Để khỏi bị lính canh phát hiện, đôi lúc tôi phải vận dụng những bài học cơ bản vừa mới được tập huấn như trườn, bò, lăn, lếch để vượt qua mấy vạt đất trống lổn nhổn đá cuội, những bãi cỏ trinh nữ đầy gai nhọn. Vượt qua “đoạn đường chiến binh” đầy chướng ngại, vòng ra phía sau gian bếp rồi lui cui chui luồn qua khe hở giữa vách lán với sàn đất ẩm. Đột nhập vào được bên trong khu nhà bếp, mồ hôi lúc này cứ toát ra mặc dù thời tiết đang lúc cuối đông. Dưới ánh đèn dầu tù mù, mắt tôi chạm vào chiếc chảo gang to tổ bố đen sì trên góc bếp, cơn đói lại lồng lên. Tôi khẽ tiến sát mục tiêu, thận trọng nhẹ nhàng đưa tay nhất lên nắp chảo...Lúc này tim tôi đập thình thịch như muốn vở ra. Đang cho tay vào lòng chảo lục tim, thì… “ Ai đó! Đưa tay lên! Không tao bắn”. Tiếp theo là tiếng quy lách khua lách cách nghe rờn rợn, rất gần!. Lúc này hồn vía lên mây, nắp chảo nhôm tuột khỏi tay rơi xuống nền đất đánh “cạch”, giọng tôi như người mê sảng: “Đừng bắn, đừng bắn anh Dũng ơi! Em…. em đây, đừng bắn, em là Thạch ở tiểu đội II đấy anh Dũng”. “Đêm hôm khuya khoắc vào đấy làm gì? Gián điệp hả, biệt kích hả?”. Giọng tôi đứt quãng: “Không, không…. Em ….em đói quá anh ơi, em ….”. Dũng bật đèn pin chiếu thẳng vào mặt tôi, cất giọng gay gắt: “Nhục! Nhục lắm! Bộ đội cách mạng thà chết, thà hy sinh chứ quyết không sống nhục. Lính tráng mà đi ăn trộm thì còn thể thống gì nữa chứ?!”. Dũng tiến lại bên tôi gằn giọng: “Đồng chí theo tôi lên phòng trực ban làm bản kiểm điểm”. Hai tiếng đồng chí xuất hiện trong lúc này cũng có nghĩa là tình hình đang rất căn thẳng và nghiêm trọng. Tôi vội chắp tay van nài: “Anh ơi, anh tha cho em đi, em biết mình sai rồi, thực tình em đói quá, cơn đói nó hành hạ em ra nông nổi này. Hồi còn ở nhà, em rất xấu chứng đói!”. Dũng đứng lặng một lúc rồi nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi, giọng anh bỗng chùng xuống ra vẻ cảm thông: “Cậu đứng lên đi, con người sinh ra còn có cái quyền được ăn, nhưng mà…. Hì hì, cũng may là hôm nay chỉ có mình tôi trực khu nhà bếp”. Nói xong, ông anh nuôi đi lại chỗ đựng thức ăn lật nắp xoong đem đến mấy khúc khoai mì luột sẵn, bảo: “Cậu ăn đi, lúc này không còn gì hơn nữa cho cậu đâu”. Không đợi bảo đến lần thứ hai, tôi cầm lấy khúc mì bùi ngậy có đính mấy hạt cơm cho vào mồm nuốt, không kịp nhai. Như một người anh khuyên đứa em có tật háu ăn: “Từ từ mà ăn, nhai không kỹ dễ bị đau dạ dày. Thuốc men ở đây khan hiếm lắm. Hết chiến tranh không khéo lại mang bệnh tật về hành cha mẹ, vợ con.”. Mặc cho Dũng khuyên bảo, tôi vẫn cứ thản nhiên ngấu ngốn. Loáng cái, năm khúc khoai luột đã hết nhẵn. Thấy tôi còn đang thòm thèm, anh bảo: “Phần ăn sáng của tôi đã dành tất cho cậu rồi đấy. Không còn gì nữa đâu. anh nhẹ giọng tâm tình -Thú thực với cậu, từ ngày vào bộ đội, tôi đã trải qua nhiều trận đói kinh hồn. Dọc đường hành quân gặp thứ gì ăn được cũng bứt cho vào mồm, uống nước suối cầm hơi. Đấy, người lính cách mạng gian khổ là vậy. Còn cậu, mới đói có vài bữa mà nhằm nhò gì. Giọng anh bỗng chùng xuống, thật buồn - Rồi cậu sẽ quen dần thôi. Chiến tranh còn dài lắm!”. Câu cuối cùng không phải chỉ dành riêng cho tôi mà cả cho anh, cho cả thế hệ chúng tôi đang đối mặt với cuộc chiến đang hồi quyết liệt. Sau cuộc gặp bất đắc dĩ này tôi với anh trở thành anh em thân thiết. Tình bạn đã giúp chúng tôi vơi bớt nổi nhớ nhà, tăng thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn gian khổ của đời lính. Có những đêm trên đường đi chiến dịch, chúng tôi ngồi cạnh nhau vừa trông ánh sao trời nghe tiếng lá rừng khua xào xạc, vừa kể cho nhau nghe về quãng đời tuổi thơ, về những kỷ niệm buồn vui của thời học sinh, sinh viên nhiều mơ mộng. Có đận anh khoe về bộ râu quai nón của anh: “Hồi còn là học sinh phổ thông, bọn con gái cùng trường nhiều đứa yêu mình say đắm, mà đứa nào cũng xinh đẹp thơm tho ngon lành. Chúng nó bảo mình đang sở hữu một bộ râu đầy ấn tượng y như tài tử xi nê”. “Làm con trai mà được nhiều người đẹp say mê cũng thú vị anh nhỉ!?”. Anh chợt vỗ đùi đánh “bép”, cười ha hả: “Nhưng khổ nỗi, hồi đó mình còn ngây thơ lắm nên chưa biết yêu là gì, thậm chí đến khi ông bố buộc lấy vợ mình cũng chưa hiểu thế nào là yêu. Tiếc thật! Ha ha…”. Quả thật anh có khuôn mặt đàn ông xứ Ả Rập rất cuốn hút những cô gái vừa mới đặt chân qua ngưỡng cửa cuộc đời. Dọc đường chiến tranh, anh đã trải qua vài cuộc tình lãng mạn với những nữ du kích địa phương xinh đẹp. Anh em trong đơn vị rất quý anh bởi cái tính dễ gần và tốt bụng. Dũng quê Nam miền Trung, là con trai trưởng trong một gia đình nông thôn, kinh tế tương đối khá giả. Lúc đầu, Dũng theo cách mạng không phải vì lý tưởng mà vì … trốn quân dịch. Anh kể, năm 1968, thi hỏng tú tài phần I, bố buộc phải lấy vợ để nối dõi tông đường. Chiến tranh ngày càng diễn ra ác liệt, cái chết và sự sống cách nhau chưa đầy gan tay. Lính chết trận đã đành, đám thường dân cũng cùng chung số phận. Vừa lấy vợ xong, Dũng bị lính cộng hòa bắt đưa vào trại nhập ngũ. Trước ngày đẩy ra chiến trường vùng I, Dũng liều lĩnh trốn trại. Sau nhiều ngày đi lạc trong rừng rậm của dãy núi Bà khu đông, những tưởng nếu không chết đói thì cũng sẽ làm mồi cho thú dữ, đâu ngờ gặp cách mạng và được cách mạng cảm hóa để trở thành anh nuôi của một đơn vị bộ binh nhờ vào tài nấu nướng và chế biến thức ăn. Dũng lấy vợ và ngủ với vợ được baỷ đêm thì ra đi biền biệt. Một hôm, nhân chuyến hành quân ngang qua làng cũ, nửa đêm anh tranh thủ lẻng về thăm nhà. Hồi đó, quê anh còn là vùng xôi đậu, lẫn lộn ta, địch. Nỗi buồn niềm vui chợt cuộn nhau dâng trào khi gặp lại mái nhà xưa mang nhiều kỷ niệm đang nhạt nhòa trong sương đêm. Anh định gọi cửa, chợt nghe có tiếng rên ư ử xen lẫn với tiếng thở dồn dập từ trong căn phòng ngủ của vợ chồng anh vọng ra khe khẽ. Anh nghĩ bụng, chắc là vợ đang bị cơn sốt rét hành hạ. Hồi mới lấy nhau, thỉnh thoảng cũng lên cơn như thế. Đã dùng nhiều thuốc nhưng chưa khỏi hẳn. Khẽ khàng đẩy cửa bước vào, Dũng bỗng dưng khựng lại, sững sờ… Dưới ánh sáng nhờn nhợt của cây đèn dầu, thân thể trần truồng như nhộng của vợ đang quằn quại trong vòng tay khoẻ chắc của gã trai cùng thôn! Anh hoảng hốt vội vã quay ra rồi rẽ bóng đêm trở về đơn vị. Day dứt, trăn trở nhiều đêm liền với ý nghĩ “sao mình lại về đúng lúc sự việc hết sức nhạy cảm đang diễn ra?! Dũng bảo, nhưng mình không giận cô ấy cậu à., dẫu sao cô ta cũng chỉ là người đàn bà bình thường, là người vợ đang hừng hực sức xuân tràn đầy ham muốn lại phải sống xa chồng nhiều năm…. Đơn vị tôi liên tục hành quân xông pha trận mạc, chiến tích lẫy lừng! Khoản cuối năm1974, đơn vị bị xóa sổ bởi không đủ quân số. Bạn bè bổ sung sang các đơn vị tác chiến khác. Tôi và anh Dũng chia tay nhau và không liên lạc được nhau cũng từ năm đó... Anh đưa tôi lại chiếc bàn đặt ở một góc khuất của quầy hàng, gọi 2 ly cà phê. Giọng anh bỗng chùng xuống: -Tệ thiệt! Trả áo lính xong là bặt âm tín, quên hết bạn bè! -Gần bốn mươi năm, bạn bè thời chiến tranh đứa thăng hoa, thằng tàn lụi, kẻ mất người còn. Được gặp lại anh như thế này là em mừng lắm rồi! -Cuộc sống của chú hiện nay thế nào? Còn làm việc cho nhà nước không?. Dũng hỏi. - Sau giải phóng, em về quê mở trại chăn nuôi gà công nghiệp rồi định lấy vợ. Nhưng nhờ sớm phát hiện ra mình bị nhiễm chất độc da cam nên thôi. Hiện giờ thì không có gì phải ràng buộc anh à.. Dũng trố mắt nhìn tôi thảng thốt rồi buông tiếng thở dài san sẻ. Chợt hỏi: -Cậu vào thành phố có việc gì quan trọng lắm không? -Chẳng có gì quan trọng, chủ yếu thăm thằng cháu họ đang sinh sống trong đó. Dũng nhiệt tình đề nghị: -Nếu chỉ có vậy thì cậu phải hoãn chuyến đi, ghé lại nhà mình chơi cho biết. Anh em lâu năm mới gặp lại, cậu phải ở với tôi vài hôm. Lúc nào cần, tôi sẽ đích thân đưa cậu vào thăm thằng cháu họ. Tất nhiên tôi không có lý do gì để từ chối lời đề nghị cùa anh. Dũng gọi anh chủ quán còn trẻ đến: -Xe của chú bị xì lớp trước, chút nữa bảo đứa nào đó đem đi vá. Nhà có chiếc nào đưa chú mượn. Anh chủ quán sốt sắn dắt ra chiếc SH còn mới kít: -Chú đi tạm chiếc này, bữa nào cần đi đâu cháu đến lấy. Rời quán cà phê rồi từ quốc lộ 14, anh cho xe rẽ sang con đường tráng nhựa thẳng tắp chạy về hướng tây. Trong không khí se se lạnh của đất Tây nguyên sắp vào xuân, gọng anh đầy phấn khích: -Trước đây không xa, toàn khu này là nghút ngàn cà phê. Từ ngày tỉnh quy hoạch lên thị trấn, diện tích cà phê thu hẹp dần nhường chỗ cho các cụm dân cư và các công trình trọng điểm. Người thành phố, dân các nơi đổ xô về lập nghiệp, nâng giá đất ở đây lên cao ngất ngưởng. -Việc đô thị hóa có ảnh hưởng đến công việc làm ăn của anh không? -Tất nhiên là có chứ, mình đã hiến cho nhà nước trên ba mẫu đất để xây dựng trường tiểu học và khu nhà trẻ. Trước mắt tôi lúc này là dọc theo hai bên con đường mới mở, nhà cửa mọc lên như nấm, rực màu ngói tươi. Một số công trình trọng điểm đang khẩn trương thi công kịp đưa vào sử dụng. Mặc dù việc đô thị hóa đã lấn chiếm phần lớn diện tích đất canh tác, nhưng cà phê ở đây vẫn còn bạt ngàn mang một màu hy vọng. Anh dừng xe trên cái sân lát gạch của ngôi nhà cấp bốn. Một cô gái trẻ người dân tộc từ trong nhà chạy ra dắt chiếc xe đưa vào mái hiên. Anh bảo người giúp việc: -Hôm nay nhà mình có khách. Cô gái chắp tay lễ phép: -Cháu biết phải làm gì rồi thưa chú. Quay sang tôi, bảo: -Nhà mình đấy cậu à. Một ngôi nhà cấp bốn rất khang trang, thoáng đãng. Sau nhà là trại chăn nuôi gà công nghiệp, một ao nuôi cá. Đứng trước sân nhà có thể nhìn bao quát toàn cảnh một vùng đất tây nguyên màu mỡ, giàu tiềm năng, nhiều triển vọng. Anh lấy bao thuốc ra mời tôi rồi rút một điếu gắn lên môi bật quẹt châm lửa, rít một hơi dài nhả khói, cất giọng tự tin – Mình mở trại chăn nuôi là nhằm giúp con em của những cựu binh sống quanh đây có công việc làm phụ giúp gia đình. Khoản thu nhập chính tùy thuộc vào 25 hec ta cà phê, với một khách sạn 4 sao trên thành phố. Anh bỗng ném điếu thuốc đang hút dở ra xa, buông tiếng thở dài – Nói thiệt với cậu, mình đang dự tính sẽ mở một công ty chế biến cà phê hiện đại nhất trên đất Tây nguyên, nhưng lực bất tòng tâm. Không sợ thiếu vốn mà sợ thiếu người. Con cái tuy đã trưởng thành nhưng bọn nó chưa đứa nào thích kế tục sự nghiệp của bố nó. Mình thì đã có tuổi rồi, muốn được nghỉ ngơi. Hy vọng vào thằng út. Sau bữa cơm trưa, hai người cựu binh ngồi bên nhau ôn lại những năm tháng chiến tranh đầy hy sinh gian khổ, nhớ những đồng đội đã ngã xuống rải rác trên các chiến trường. không ít người hài cốt hiện vẫn còn nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm, than phiền về những thằng bạn thân thời chiến tranh giờ làm quan to coi thường thiên hạ, né tránh anh em! Dũng động viên tôi phải phấn đấu vượt lên số phận nghiệt ngã để sống thanh thản những năm tháng còn lại. Và cũng qua lời tâm sự của Dũng, tôi được biết, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ngày về quê anh mới nhận ra một sự thật phũ phàng: ngôi nhà lá mái đầy kỷ niệm của tuổi thơ đã bị bom tấn đánh sập thành một cái ao làng nước một mau xanh lục, bố mẹ anh tan xác cũng trong trận dội bom kinh hoàng hôm đó . Cô vợ thì đã bỏ nhà theo một gã trai quê chưa biết đang lưu lạc phương nào. Cán bộ địa phương cử người đến an ủi động viên và hưá sẽ cấp cho anh một lô đất bồi ven sông để dựng nhà, hỗ trợ ít vốn để giúp anh hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Sau bao nhiêu năm chinh chiến, ngày trở lại quê hương thì nhà cửa tan hoang, bố mẹ già đã ra người thiên cổ, vợ đã bỏ xứ theo trai. Một lần nữa, anh dứt khoác rời quê lên Tây nguyên phát rẫy trồng cà phê rồi lấy vợ, sinh con. Vợ anh là người phụ nữ đảm đang nhân hậu, có đầu óc kinh doanh. Cơ ngơi đang có của anh là nhờ công chị phần lớn. Rất tiếc chị mất sớm do sự thiếu trách nhiệm của nhóm y bác sĩ thực hiện ca mổ ruột thừa của chị. Dũng trở giọng tự hào: - Cũng may là công việc kinh doanh của mình diễn ra suôn sẻ, con cái học hành thành đạt cậu à. Thằng con cả là tiến sĩ tin học đang giảng dạy tại thành phố Hồ Chí Minh, cô con gái kề là bác sĩ chuyên khoa sản cấp II đang công tác trong bệnh viện tỉnh. Hai đứa đã có nhà cửa, có riêng tư. Thằng út học nông nghiệp, sang năm mới ra trường. Dự tính sẽ xin nó về đây công tác, mai sau tuổi già sức yếu còn có người thay tôi chăm nom cơ nghiệp. Riêng cái quán cà phê anh em minh gặp nhau hồi sáng tôi sắp giao hẳn cho thằng cháu họ quản lý, bố nó hy sinh trên chiến trường khu V năm 1968. Nghe Dũng nói tôi rất mừng. Một chiến sĩ nuôi quân tốt bụng, hiền lành, sau chiến tranh trở thành trùm cà phê nổi tiếng đất Tây nguyên, con cái học hành đỗ đạt! Buổi chiều, Dũng lấy ô tô đưa tôi đi thăm mấy rẫy cà phê đang kỳ ra hoa kết trái, luôn tiện giới thiệu cơ ngơi mới của anh. Đứng trước khu biệt thự xinh đẹp vừa mới xây xong, còn đang gia cố thêm một vài công trình phụ, anh bảo: -Đây là nhà của thằng Út. Sang năm tốt nghiệp cao học tôi sẽ đưa nó về , vừa công tác vừa giúp tôi làm quản lý. Đang nghe anh phát họa công việc kinh doanh sắp tới trên thị trấn Tây nguyên giàu tiềm năng này thì có tiếng động mạnh từ chỗ người làm. Tưởng có tai nạn lao động đang xảy ra, chúng tôi vừa đến nơi thì cũng đúng lúc cậu thợ hồ mặt còn non choẹt nói với chị phụ hồ đáng tuổi mẹ mình bằng thứ ngôn ngữ không thể chấp nhận được: “ -Đ.M, làm không nổi nữa thì nghỉ mẹ nó đi. Người đâu mà chậm chạp như con rùa. Nhấc xô hồ lên không nổi thì còn phụ cái đếch gì nữa!”. Người đàn bà với dáng vẻ chịu đựng, nhẫn nhục dùng bay hốt số hồ vừa đổ cho vào xô. Trông cử chỉ của chị, tôi đoan chắc, chị không thuộc loại người lười nhác, đễnh đoảng. Có lẽ công việc nặng nhọc của một phụ hồ không phù hợp với người đã có tuổi như chị. Tôi định đến khuyên cậu thợ hồ vài câu dàn hòa thì cũng vừa lúc chị ngửa mặt đưa xô hồ lên cao, chiếc nón lá trật ra sau gáy để lộ khuôn mặt khiến tôi sững lại, nhìn chị trân trối!. Lạ chưa! Người đàn bà này là ai mà mới thoạt nhìn đã thấy quen? Hình như mình đã gặp chị ở đâu đó ít ra cũng một đôi lần? Khuôn mặt lúc quen lúc lạ, rất khó nắm bắt. Tôi đang cố lục tìm những hình ảnh nhạt nhòa ngổn ngang trong kí ức thì chị bỗng vô tình xoay mặt đối diện với tôi. Như một tia chớp lóe lên trong tiềm thức, tôi kêu lên thảng thốt : - Chị Hoa! Nghe gọi đúng tên mình, người đàn bà phụ hồ ngẩng mặt nhìn tôi, lúc đầu soi mói, tiếp đến lộ vẻ ngạc nhiên, rồi… cúi mặt tiếp tục công việc. Dũng quay sang tôi hỏi nhỏ: - Cậu cũng biết cô Hoa? Tôi vừa lôi Dũng đi, vừa nói: - Quen từ hồi còn chiến tranh anh à, ngay trên quê hương chị. Mà sao chị lại lên tận đây kiếm sống bằng cái nghề nặng nhọc nầy? Dũng giải thích: -Hồi đầu tháng trước, mình gặp cô Hoa đi lang thang tìm việc dưới phố huyện. Thấy cô chất phác hiền lành, tôi có cảm tình ngay nên mời cô về nhờ giúp việc nhà cửa, cơm nước. Nhưng nghĩ sao cô lại từ chối. Tôi phải gửi cô cho gã thầu khoán, bảo nó bố trí một việc gì đó nhẹ nhàng, giúp chị có công việc làm. Ai ngờ nó lại bắt cô làm phụ hồ! Hết buổi, thừa lúc bạn thợ rửa ráy chuẩn bị cơm chiều, tôi tranh thủ tìm gặp chị Hoa. Đi quanh quẩn một lúc, thấy chị đang ngồi cọ rửa bàn chà thước thợ cạnh gốc sồi già. Tôi khẽ khàng bước đến bên chị với tâm trạng của người có lỗi: - Chị Hoa! Chị dừng tay, ngẩng mặt lên nhìn tôi một lúc, mắt chơm chớp. Rồi chị cất giọng run run: - Cậu Thạch! Đúng không? Tưởng không bao giờ còn gặp lại cậu nữa. Lâu quá!. - Hơn phần ba thế kỷ rồi chị! Nói đến đây, cổ họng tôi bỗng dưng nghẹn cứng. Từ trong sâu thẳm bỗng nhói lên một chút gì xót xa khiến tôi tự rủa thầm: “đồ vô ơn bạc nghĩa”. Chị Hoa buông tiếng thở dài. Mắt nhìn tận đâu đâu… Cách đây gần 40 năm, vào thời điểm cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt trên toàn miền Nam. Một buổi chiều, trên đường trở về đơn vị sau khi hoàn thành chuyến công tác đặc biệt, tôi dừng chân tạm nghỉ qua đêm trong một ngôi làng nhỏ thuộc vùng chiến khu Đông. Làng nằm phía bên nầy con sông Hà cũng là nơi giáp ranh với cửa ngõ ra vào thị xã. Với vị trí chiến lược quan trọng nên địch - ta, phe nào cũng tranh quyền kiểm soát. Thỉnh thoảng lực lượng bảo an được trọng pháo từ trên các chi khu yểm trợ mở những trận càn quét, biến ngôi làng nằm ven sông Hà xinh đẹp thành bãi chiến trường. Để tránh bom rơi đạn lạc, dân làng phải đi sơ tán: người ra khu an toàn, kẻ ngược lên phố huyện. Chỉ có lực lượng thanh niên cờ đỏ địa phương là “một tấc không đi, một ly không rời”. Họ quyết bám trụ, vừa giữ đất giữ làng, vừa tăng gia sản xuất lấy lương thực nuôi quân, nuôi cán bộ. Địch đến, họ ẩn. Địch vừa rút lui, họ xuất hiện ngay phía sau lưng. Địch cắm chốt, họ liên tục quấy phá khiến chúng mất ăn mất ngủ, cuối cùng cũng phải cuốn xéo. Người lãnh nhiệm vụ lo việc ăn ở cho tôi trong buổi chiều hôm đó chính là chị Hoa, một thành viên của lực lượng xuất quỷ nhập thần nầy. Chị Hoa (bạn bè gọi chị là Hoa Đỏ) còn rất trẻ, khoảng 21, 22 tuổi, mái tóc đen búi ngược để hở cái cổ cao trắng ngần, khuôn mặt toát lên nét đẹp dịu dàng đằm thắm đến nao lòng. Biết tôi vừa mới hoàn thành chuyến công tác đầy khó khăn nguy hiểm, chị Hoa tiếp tôi rất ân cần niềm nỡ từ việc ăn uống đến chỗ nghỉ ngơi. Chị dành riêng cho tôi căn buồng nhỏ duy nhất còn sót lại từ ngôi nhà lá mái 5 gian của chị vừa bị pháo binh đánh sập. Mẹ con chị ở chái bếp phía sau. Chị căn dặn tôi phải xuống hầm trú ẩn ngay bên cạnh mỗi khi nghe tiếng ca nông đề pa. Rất cảm ơn cuộc đời luôn dành cho tôi những người chị xinh đẹp và nhân hậu. Tuy đang sống trên vùng tranh chấp đầy bất trắc nhưng chị rất tin tưởng, lạc quan. Nhất là bé Phúc, niềm hạnh phúc duy nhất của chị vẫn hồng hào, khỏe mạnh, dễ thương đến kỳ lạ, y như hạt mầm khỏe chắc cứ thản nhiên vươn lên từ mặt đất chai sần bỏng rộp. Kiệt tác của đấng toàn năng, hiện thân của một thiên thần bé bỏng cứ với với đôi cánh tay bụ bẫm về phía tôi, miệng luôn nhoẻn nụ cười. Bế thằng bé vào lòng giữa buổi chiều quê đang nồng thuốc súng bỗng nhói lên trong tôi một niềm xúc cảm rất khó tả và thấy trách nhiệm to lớn đang đè nặng lên vai thế hệ chúng tôi, thế hệ người lính đang chiến đấu vì độc lập tự do, vì thế giới ngày mai hòa bình hạnh phúc. Ngay buổi tối hôm đó, giữa khoảng lặng của chiến tranh, chị xã đội trưởng du kích cho tôi biết đôi nét khái quát về Hoa Đỏ, người phụ nữ vùng chiến khu Đông thông minh, nhân hậu nhưng kiên cường, dũng cảm. Chị Hoa mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, ngoài chồng con ra, chị không còn ai là họ hàng thân thích. Chồng chị đi lính bảo an đóng trên phố huyện. Anh được cơ sở binh vận móc nối và bí mật bố trí làm tài xế riêng cho tên đại úy đồn trưởng để theo dõi tình hình và báo cáo kịp thời mọi âm mưu và những hoạt động của đối phương. Để địch tin tưởng và anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt của một điệp báo viên, tổ chức dàn dựng kịch bản cho anh công khai ly dị vợ với lý do chị ngoại tình, có con riêng. Nhờ những thông tin chính xác do anh cung cấp, bộ đội địa phương từng bẻ gãy nhiều trận càn lớn của địch. Trước ngày ở cữ, lãnh đạo xã bố trí giúp chị ra an toàn khu để tiện việc sinh nở. Do lần đầu chưa có kinh nghiệm nên dẫn đến việc thằng bé chào đời sớm hơn dự tính ngay trên mảnh đất đã sinh ra chị, sau trận càn của lính bảo an. Chị đặt tên con là Phúc. Sinh nở xong, nhằm lúc mặt trận khu Đông diễn ra hết sức căng thẳng, lãnh đạo phụ nữ xã lại giục chị đi sơ tán do có con mọn, nhưng chị một mực xin được ở lại. Trên cái xã trắng tiền tiêu ngày nào cũng có bom rơi đạn nổ, ranh giới tử sinh chỉ là đường tơ kẽ tóc mà có mỗi mình chị là y tá. Chị không thể xa rời bạn bè đồng đội trong lúc nầy để tìm lấy sự bình yên cho riêng mình. Đêm hôm đó, tôi không thể nào ngủ được. Cứ day dứt, trăn trở nghĩ về cuộc chiến tranh quá nhiều hy sinh mất mát, về số phận những đứa bé sinh nhầm thế kỷ, về những người phụ nữ như chị Hoa đang ngày đêm lặng lẽ hy sinh, cống hiến, chịu đựng… Biết tôi khó ngủ, chị Hoa lục trong túi thuốc của chị lấy ra một viên màu hồng đưa cho tôi, bảo là thuốc an thần liều nhẹ, uống vào sẽ chóng ngủ ngon, lấy sức ngày mai đi tiếp. Nhờ viên thuốc chị đưa, đã lâu lắm tôi mới có được giấc ngủ bình yên thanh thản, đầy mộng đẹp ngay trên mảnh đất đang sặc mùi chinh chiến. Sáng hôm sau, chị đánh thức tôi dậy: - Cậu Thạch! dậy mau. Bọn thủy quân lục chiến đi càn, xe tăng vào đến bìa làng rồi! Tôi ngồi bật dậy, tỉnh hẳn, chụp vội túi đựng tài liệu rồi lập tức rời khỏi vị trí. Chị giục : - Cậu ra hầm bí mật ngay! Lúc đi ngang qua chỗ bé Phúc, thấy cháu đang say sưa trong giấc ngủ, nét mặt hồn nhiên thánh thiện, trên môi còn đọng nụ cười. Định giúp chị đưa thằng bé ra theo, chị vội ngăn lại: - Cứ để cháu đó cho tôi. Rồi chị quay lại tiếp tục lục tìm thứ gì đó trong túi thuốc, nét mặt lộ vẻ căng thẳng lo âu. Thấy tôi còn đứng lóng ngóng, chị thúc: - Nhanh lên kẻo không kịp! Thú thực, tôi là người lính từng xông pha trận mạc, từng chỉ huy một tiểu đoàn tác chiến, vậy mà lúc nầy đây, tôi phải răm rắp tuân theo mệnh lệnh của một nữ du kích địa phương. Rời khỏi chỗ ở chưa đầy mươi bước đã nghe tiếng xe tăng gầm gừ từ phía cuối làng. Một tràng tiểu liên xé toạc màn sương sớm. Tôi nóng ruột quay lại nói như quát: - Chị đưa cháu ra hầm ngay. Bọn lính bắt gặp chị là gay go lắm đấy!. Nói xong, tôi bế xốc cháu Phúc chạy thẳng ra phía bờ sông, nơi có hầm bí mật kiên cố. Chị cũng chạy theo tôi bén gót. Trong căn hầm rộng chưa đầy thước vuông lờ nhờ ánh sáng từ các lỗ thông hơi, người thiếu phụ bế con ngồi lặng lẽ, nét mặt lộ vẻ lo lắng đăm chiêu. Còn tôi, tôi đang phát huy hết khả năng thính giác để xác định hướng chuyển quân của địch. Trên mặt đất, tiếng gầm rú của xe tăng mỗi lúc một gần. Đại liên, trung liên, AR15 thi nhau nổ giòn giã, cây cối gãy đổ rào rào. Một lúc lâu sau, tiếng súng thưa dần, chỉ còn nghe tiếng động cơ xe tăng nổ đều, rất gần. Nghe cả tiếng máy bộ đàm nữa. Hình như chúng đang chuẩn bị cắm chốt tại đây?!. Đang nhận định tình hình địch thì thằng bé bỗng ré lên, tay chân nó quẫy đạp liên hồi. Chị Ba lính quýnh nâng con lên áp miệng nó vào núm vú, nửa như vỗ về, nửa như kìm hãm tiếng khóc có thể gây ra điều chẳng lành. Thằng bé chưa đầy tám tháng tuổi làm sao chịu nổi không khí ẩm thấp, bức bối trong căn hầm chật chội?. Phản ứng bản năng của cháu bé trong lúc nầy là cực kỳ nguy hiểm, sẽ dẫn đến cái chết. Một giọng nói ồm ồm từ mặt đất vẳng xuống làm tôi nổi da gà, toát mồ hôi hột: - Tụi bay xăm thật kỹ. Đứa nào phát hiện ra hầm bí mật sẽ được thưởng một chầu la de. Nếu bắt được việt cộng sẽ bao thêm em út. Lệnh ban ra, mặt đất bỗng nổi lên tiếng rào rào như đàn vịt di chuyển. Qua lớp đất dày, tôi hình dung ra những gương mặt lầm lì dữ tợn đang dùng lưỡi lê nhọn hoắc xới lên từng tấc đất vốn đã bị băm nát bởi pháo chụp, bom bi. Chợt lóe lên trong tôi một thóang nghi ngờ: Chắc có kẻ chỉ điểm?! Tôi lại tự trấn an: Nếu có kẻ phản bội, bọn chúng chỉ cần đến lật miệng hầm lên là xong, hà cớ gì phải sục sạo tìm kiếm cho mất công? Trong lúc thần kinh đang căng thẳng tột độ thì bé Phúc lại khóc ré lên, tay chân quẫy đạp như cố bức khỏi vòng tay của mẹ. Theo phản ứng tự nhiên, tôi xoay người lại định rút khăn tay ra chẹn mồm nó lại. Nhưng chị Hoa lại nhanh hơn, chị vén cao vạt áo nhét vội bầu vú căng tròn vào mồm con rồi ôm chặt nó vào lòng. Thằng bé nhây nhây vú mẹ, mồm khặc khặc một lúc rồi ngủ yên. Nếu tình hình cứ tiếp tục tái diễn, chắc chắn địch sẽ phát hiện. Tôi hy sinh đã đành. Tài liệu rơi vào tay giặc sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường! Còn chị Ba nữa, nếu không may rơi vào tay bọn lính dâm ác… ?! Tôi rùng mình không dám nghĩ tiếp. Bỗng trong tôi lóe lên ánh chớp: thuốc an thần! Chỉ cần một liều nhỏ cháu bé sẽ ngủ yên. Là y tá, tại sao chị không nghĩ ra điều nầy nhỉ? Nhưng trông thấy thằng bé đang ngon giấc trong vòng tay mẹ, tôi thở phào nhẹ nhỏm. Lạy trời, thằng bé no sữa đã ngủ ngon. Chúng tôi tiếp tục rơi vào sự yên lặng đầy bất trắc, mắt căng tròn dán chặt lên nóc hầm, dõi theo từng diễn biến của địch trên mặt đất bằng khả năng thính giác. Không biết chúng tôi đã ngồi như thế trong bao lâu, có lẽ lâu lắm, rất lâu. Một giọng nữ quen thuộc vang lên ngay phía trên đầu: - Chị Hoa ơi! Bọn chúng rút rồi. Tôi vội nhỏm dậy giục chị nhanh chóng ra khỏi miệng hầm. Chị vẫn bế con ngồi bất động. Lúc ấy, linh tính mách bảo cho tôi biết có một việc hệ trọng đang xảy ra. Tôi vội cúi xuống giật lấy thằng bé từ trên tay chị vọt thẳng lên miệng hầm. Trời ơi! Bé Phúc lúc nầy chỉ là cái xác, mặt mũi tím tái vì ngạt thở. Bàng hoàng, thảng thốt!. Tôi bế cháu đứng lặng... Đồng đội của chị giúp tôi đưa cháu vào nhà, đặt lên chiếc chõng tre, nơi mà mới vừa sáng đó thôi, nó say sưa trong giấc ngủ trẻ thơ. Chị Hoa được các bạn dìu lên khỏi miệng hầm trong tình trạng bất tỉnh nhân sự. Chị em lo xoa dầu, lay goị. Một lúc sau, chị dần dần hồi tỉnh. Sực nhớ ra bé Phúc, chị lao vào xác đứa con của mình chứa chan nước mắt. Bé Phúc ra đi là sự mất mát lớn của chị, của đội nữ du kích vùng chiến khu Đông. Bùi ngùi, lặng lẽ, họ tiễn đưa một thiên thần bé bỏng trở về với chúa giữa buổi chiều thê lương!. Lúc nầy tôi mới hiểu ra: Viên thuốc an thần chị cho tôi tối hôm trước là viên cuối cùng mà chính chị cũng không nhớ! Bé Phúc mất để tôi được sống, để tập tài liệu cực kỳ quan trọng không lọt vào tay đối phương. Sự ra đi của cháu Phúc như một huyền thoại đẫm chất bi ca, sự hy sinh vì sự tồn vong của chúa. Buổi chiều hôm đó, trước khi trở ra đơn vị, đứng bên nấm mồ nhỏ nhoi trên doi đất bồi ven dòng sông Hà vừa mới đắp xong của cháu Phúc tôi hứa với chị rằng, sẽ sống xứng đáng với lòng hy sinh cao quí của chị, với sự ra đi của cháu Phúc. Sẽ trở lại tìm chị ngay sau khi kết thúc chiến tranh. Từ buổi đó, đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, tôi chưa về thăm mảnh đất nằm dọc dòng sông Hà, chưa tìm đến thăm chị. Ký ức về một buổi chiều quê đau thương mất mát của thời xa lắc đã bị thời gian xóa nhòa!!!. Vậy mà hôm nay, tình cờ gặp lại chị trên vùng đất Tây nguyên mù sương heo hút. Thời gian và nỗi vất vả trong cuộc mưu sinh tuy đã làm cho người chị gầy nhom, vẻ mặt già nua khắc khổ nhưng vẫn còn phản phất nét đẹp ấm áp dịu dàng của thời Hoa Đỏ trẻ trung. Tôi vô tình khuyên chị: - Ở tuổi chị cần phải có thời gian nghỉ ngơi thanh thản. Khoản trợ cấp hoặc lương hưu của anh chị kết hợp với khoản thu nhập nhờ vào ruộng vườn đủ giúp chị có cuộc sống ổn định. Việc phụ hồ nặng nhọc lắm, chị không kham nổi đâu! Chị dừng tay quay sang tôi, hỏi: - Khoản trợ cấp nào? Tôi làm gì có lương hưu? Tôi trả lời thản nhiên: - Khoản trợ cấp dành cho những người có công với kháng chiến. - Tưởng gì chớ hồi đó tôi chỉ là du kích thôn làng. Có công trạng gì to lớn đâu mà được hưởng trợ cấp của chính phủ?. - Còn chồng chị ? Anh ấy là cán bộ điệp báo của ta ? Chị đáp: - Anh ấy bị du kích xã trên bắn chết năm 1974! Tôi rất ngạc nhiên sau câu trả lời của chị. Định hỏi, chị tiếp tục giải thích: - Hôm đó, anh được lệnh của cơ sở binh vận phải dụ cho được tên đại úy đồn trưởng ra quán thịt chó cuối thị trấn B để du kích trừ khử. Khốn thay, chồng tôi cao to, trắng trẻo. Tên đồn trưởng nghiện ngập nên ốm gầy đen điu. Sự đối nghịch nghiệt ngã dẫn đến việc anh ấy bị bắn nhầm, tên đồn trưởng may mắn thoát chết. Ngay buổi sáng hôm sau, đám tang của anh được chúng tổ chức trọng thể, có thiếu tá Chi khu trưởng đến đọc điếu văn. Mặc nhiên chồng tôi trở thành tử sĩ, được truy phong thêm bậc. Chị bỗng thở dài hắt ra nỗi trái ngang cay nghiệt - Sau ngày giải phóng, tôi mang tiếng là vợ hạ sĩ quan ngụy, là người đàn bà ngoại tình, là người mẹ nhẫn tâm bóp chết con mình trong hầm bí mật để được sống. - Oan nghiệt! Tôi nói giọng run run - Tại sao chị không làm đơn nhờ những người có liên quan xác nhận? Hiện nay Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến những người có công trong kháng chiến?. Chị cúi mặt như để che giấu những giọt nước mắt: -Sau chiến tranh tất cả đều đã thay đổi! Cơ sở binh vận đã giải thể hồi còn chiến tranh. Biết cậy nhờ ai?! Và như để giải tỏa nỗi niềm, chị tâm sự với giọng buồn: - Hồi còn chiến tranh, bom đạn vung vãi đầy trời, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, vậy mà chúng tôi vẫn bám đất giữ làng, tình người ấm áp lắm. Sau ngày giải phóng, xóm làng b́nh yên, tôi phải bỏ xứ ra đi tha phương cầu thực vì không chịu nổi những lời mỉa mai cay độc từ miệng người đời. Vào Khánh Hòa giữ trẻ, ra Phú Yên gặt thuê, lên Đắc Lắc hái cà phê ... Lạy trời, hồi đó còn sức để đổi lấy bát cơm. Vài năm đổ lại đây, lực bất tòng tâm cậu à ... Giọng chị nghèn nghẹn - Đôi lúc nhớ quê lắm, nhưng chẳng dám về. Mà nếu có cũng chỉ trong thoáng chốc. Chủ yếu là viếng mộ thằng Phúc. Chị đưa tay gạt mấy giọt nước mắt. Lúc này, trước chị, tôi thấy mình nhỏ nhoi ích kỷ, không xứng đáng để chị san sẻ nỗi niềm uẩn khúc của đời chị. Về nhà Dũng, tôi đem chuyện chị Hoa kể hết cho anh nghe. Dũng cứ suýt xoa thở dài và trách tôi vô tâm. Đêm, hình ảnh của chị Hoa và bé Phúc trên một miền quê sặc mùi chinh chiến cứ ám ảnh khiến tôi trăn trở, day dứt và luôn tự trách mình. Giường phía bên kia thi thoảng lại có tiếng thở dài. Hình như Dũng cũng không ngủ được. Khoảng nửa đêm về sáng, giọng Dũng tỉnh rụi: - Không ngủ được thì dậy uống tách trà cho ấm bụng. Chỉ đợi có thế, tôi ngồi bật dậy, mở đèn. Dũng loay hoay súc ấm pha trà. Quả thực tách trà sớm đã làm cho tôi tươi tỉnh. Đến tách thứ ba, Dũng nâng lên nhắp một ngụm rồi đặt xuống, ngẫm ngợi một lúc, nói giọng nghiêm túc: - Thạch này, tôi nhờ cậu giúp cho một việc. Chỉ có cậu mới giúp được thôi. Chắc là anh muốn nhắc lại việc nhờ tôi tìm hộ khu đất trên thành phố quê tôi để xây cất đại lý cà phê Tây nguyên. Tôi khoát tay bảo: - Anh cứ thư thả đã. Chờ hạ cơn sốt đất... Dũng vội ngắt lời: - Không phải việc ấy. Việc khác, quan trọng hơn! Anh ta muốn mua cả một hòn đảo chắc, tôi nghĩ thế ? Dũng hạ giọng vòng vo vào đề: - Cậu biết đấy. Nhà tôi mất gần 10 năm, để lại ba con nhỏ. Đến nay, đứa nào cũng thành đạt. Những năm gần đây, tôi cứ tất bật công việc làm ăn, việc nhà cửa cơm nước đôi lúc cũng phải tự biên tự diễn. Thấy tôi vất vả, các cháu khuyên tôi phải lấy vợ kế để có người quán xuyến công việc nhà cửa, nương nhờ vào nhau những lúc ốm đau. Con chăm cha không bằng bà chăm ông mà. Nghe trẻ nói cũng có lý. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi cũng để mắt tìm người hiền thục giúp nhau trong tuổi già. Nhưng tìm mãi chưa thấy người vừa ý. Tình cờ gặp cô Hoa, thấy cô hiền lành phúc hậu, lại có vẻ hiểu đời nên tôi quí lắm. Qua cậu, tôi được biết thêm số phận nghiệt ngã của Hoa khiến tôi càng nể phục. Chỉ có cậu mới giúp tôi nói hộ với cô ấy một lời. Tôi rất bất ngờ trước lời đề nghị của Dũng. Để đo thêm mức độ tình cảm của anh dành cho chị, tôi hỏi: - Tình cảm của anh xuất phát từ lòng thương hại? Dũng thề thốt: - Tôi xin thề, mình rât quý Hoa ngay từ ngày mới gặp trên phố huyện. Cậu phải tin mình chứ! Rất mừng cho chị, những năm tháng cuối đời chị sẽ đỡ nhọc nhằn vất vả. Mặc dù trời còn đầy sương sớm, tôi lấy xe đến chỗ làm của chị Hoa mời chị sang nhà Dũng dùng bữa sáng, sau đó lựa lời ướm hỏi. Nhưng khi đến nơi, người quản công cho biết, chị Hoa đã xin thôi việc và ra đi từ chiều hôm trước. Tôi đứng lặng, nước mắt rơm rớm. Chị Hoa ơi! Tôi là đứa vô ơn bạc nghĩa, cả đời không làm nên danh phận. Được sống đến ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh của đồng đội, của chị, của cháu Phúc. Dù phải lặn lội đầu non cuối bãi, tôi cũng phải tìm cho được chị, và giúp chị đòi lại sự công bằng, đưa chị về lại nơi mà chị đã hy sinh cả tuổi thanh xuân tay bế con thơ, tay chống giặc giữ làng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét