Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Truyện ngắn Bản giao hưởng từ biệt

Trần Quang Lộc
                            BẢN GIAO HƯỞNG
TỪ BIỆT
                                                                     Truyện ngắn
          Mặc dù đang ở tuổi "cổ lai hy" nhưng ba tôi vẫn còn mê nghe âm nhạc. Ông thích nghe nhạc vào mỗi buổi sáng qua dàn âm thanh tuyệt hảo, quà tặng của anh Hai tôi năm ba tôi bước sang tuổi sáu mươi.
          Hồi còn trẻ trung, ba tôi thích những tác phẩm của các nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng như Mozart, Beethoven, Róssini, Berlioz... Nhưng tác phẩm âm nhạc mà ba tôi quý nhất là bản giao hưởng Từ biệt của Haydn, nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo, ông tổ viết giao hưởng ở thế kỷ mười tám. Ba tôi bảo, đó là bản giao hưởng không những có nét giai điệu đẹp, giàu biểu cảm, ý nghĩa nội dung sâu mà cách trình diễn cũng độc đáo, rất gây ấn tượng cho người thưởng thức. Ba tôi ước mơ được một băng ghi hình buổi trình diễn bản giao hưởng vĩ đại đó. Mãi đến ngày tôi tốt nghiệp Tiến sĩ khoa chỉ huy và khoa violon tại nhạc viện Xophia trở về, ta tôi mới được toại nguyện. Hôm ấy, tôi đã mang về tặng ba tôi một số băng nhạc gồm có giao hưởng và những bản sonata, étude viết cho violon của các nhà soạn nhạc Nga Musorgaky, Rimaki-Korsakow, Glinka... Với một băng ghi hình buổi trình diễn bản giao hưởng Từ biệt do dàn nhạc giao hưởng Xophia trình diễn dưới sự dẫn dắt của tôi.

          Món quà quý giá và sự thành đạt của tôi đã làm cho ba tôi rất tự hào và hãnh diện. Ước mơ được trở thành nghệ sĩ của ba tôi ngày xưa, tôi đã thay thế ông biến thành hiện thực. Ba khuyên tôi hãy tỏ ra xứng đáng với cái học vị để làm rạng rỡ họ hàng.
          Theo lời ba tôi kể lại. Ngày hồi còn bé, ở làng quê, ba tôi đã say mê nghe đàn. Hồi đó, cả cái làng Nhơn hạnh rộng lớn dường ấy mà chỉ có mỗi bác phó may, người cùng xóm với ba tôi biết gẫy đàn mandoline. Cứ mỗi lần nghe bác phó gẫy đàn là ba tôi bỏ học, vội chui tọt qua lỗ rào, đến ngồi trên bậu cửa hiệu may, chống cằm nhìn bác phó đánh đàn với niềm say mê thán phục, Biết ba tôi mê đàn, bác phó may ra điều kiện, mỗi khi nghe đàn xong, ba tôi phải đấm lưng cho bác trước khi ra về. Ba tôi sốt sắng chấp nhận mọi sự đánh đổi, miễn là được nghe đàn thỏa thích.
          Một hôm, bác phó hỏi ba tôi: ‘Này, chú em muốn học đàn không?" Ba tôi chớp chớp mắt, trả lời: "Muốn chứ". Bác phó lại bảo: "vậy thì về mang con tía nòi của bố mày sang đây làm lễ tạ tổ". Ba tôi xịu mặt: "Vậy thì em không học, con gà chọi cưng của ổng đã từng ăn độ, đụng đến bị đòn nứt đít". Bác phó cười hì hì: "Nói đùa vậy thôi. Hôm nay tốt ngày, lại đây tao truyền vài chiêu nhập môn". Thế là bác phó chỉ cho ba tôi cách cầm đàn, cách cầm miếng myca gẫy từng dây trống. Lần đầu tiên được cầm cây đàn, được gẫy ra những âm thanh trầm bỗng, ba tôi cảm thấy như mình đang chơi vơi trong truyện cổ tích có cả những bà tiên hiền lành thường mang đến cho tuổi thơ điều kỳ diệu bất ngờ. Ba tôi học chăm lắm. Ông vừa gẫy đàn vừa say sưa đọc theo tên các âm thanh phát ra từ bốn dây trống của cây đàn mandoline: "đồ, rê, la, mí ...". Những âm thanh ngượng ngập, vụng về, khô cứng phát ra từ bốn sợi dây trống cũng đủ khiến cho tâm hồn ba tôi bay bổng lên chín tầng mây. Mãi đến trưa, bác phó may ra lệnh: Thôi đủ rồi, chỗ tao còn  phải nấu cơm". Ba tôi vội bỏ cây đàn trên bàn may rồi chui tọt qua lỗ rào, kêu toáng lên: "Mẹ ơi!Mẹ! Con đã biết đàn rồi, sồn rê mi la..." Nội tôi từ trong nhà bếp bước ra, tay cầm cái roi tre nhứ nhứ về phía ba tôi đe dọa: "Sồn rề! Bỏ nhà để gà heo vào quậy phá. Vào đây tao cho mấy roi quắn đít". Ba tôi mất hứng, thè lưỡi, ôm đít chạy biến lên nhà trên ôn bài. Đó là buổi học đàn đầu tiên của ba tôi hồi còn bé trên quê nhà. Thi thoảng Ba tôi kể cho chúng tôi nghe buổi học nhạc đầu tiên đại khái như vậy.
          Mãi đến khi vào học Côllège Quy Nhơn ba tôi mới có dịp được học đàn nghiêm chỉnh bài bản, Ngoài buổi học văn hóa trong nhà trường, ba tôi còn theo học lớp dạy đàn violon được tổ chức vào những buổi tối. Thầy dạy đàn thường khen ba tôi nhanh trí, sáng dạ. Nếu theo con đường âm nhạc, sau này sẽ nổi danh.
          Cuối năm ban thành chung, ba tôi đã có vốn nhạc lý vững vàng và chơi Vilolon rất hay. Buổi tối, ba tôi thường mang đàn đến phục vụ tại các tụ điểm của nhóm thượng lưu thức đương thời. Ba tôi diễn rất thành công những bản Sonata viết cho Violon của Schubert, Tchaikovski, Shostakowitch... Những lúc buồn, ba tôi thường chơi phần kết của bản giao hưởng Từ Biệt dành cho Violon.
          Tuy có chút ít vốn liếng về âm nhạc, nhưng ba tôi vẫn không quên người thầy đàn đầu tiên ở quê nhà, một người mù nhạc, mò mẫm được vài bản đàn, nhưng có tâm hồn say mê âm nhạc. Ba tôi lại tự chế diễu thời ngây thơ của mình, vừa trông thấy hồ đã tưởng đang đứng trước biển, mới nhìn con lạch đã ngỡ một dòng sông, và mơ ước sau này sẽ trở thành nghệ sĩ Violon nổi tiếng.
          Học xong ban hành chung thì cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta cũng đến hồi quyết liệt. Vì vậy, ba tôi phải từ bỏ mơ mộng, tạm biệt cây đàn đi vào cuộc chiến như những người thanh niên yêu nước khác.
          Hòa bình lập lại, ba tôi trở về thành phố với bàn tay trái bị mất hai ngón. Giấc mộng trở thành nghệ sĩ Violon không thành, ba tôi xin làm giáo viên dạy văn cho một trường Trung học tư thục trong thành phố. Sau đó vài năm, ba tôi lập gia đình rồi anh em chúng tôi lần lượt chào đời.
          Nhờ sống trong môi trường có giáo dục, kinh tế đầy đủ nên anh chị em chúng tôi có điều kiện phát huy khả năng học tập. Ngày nay, các anh chị tôi là những nhà khoa học có học hàm học vị, tên tuổi lừng lẫy. Riêng tôi rất may mắn được kế thừa tất cả những tinh hoa của ba tôi. Tôi chọn đi con đường nghệ thuật mà ba tôi đã bỏ dỡ và quyết tâm biến những ước mơ ngày xưa của ông trở thành hiện thực.
          Tôi nhớ như in ngày ba tôi đưa tôi vào nhạc viện học khoa Violon. Mẹ tôi ca cẩm: "Học làm gì ba thứ đàn địch. Có ai coi ngữ ấy ra gì. Không khéo sau này thằng út ế vợ". ba tôi cãi lại: "Chỉ có những tay mơ, mới viết mò được vài bài hát phổ thông chưa sạch nước cản đã tự cho là tài năng rồi sinh ra ngông nghênh lấc cấc. Thằng út thì khác, nó có năng khiếu lại được học trường lớp nghiêm chỉnh, thế nào sau này cũng trở thành tài năng âm nhạc".
          Tuy rất đam mê âm nhạc, nhưng không phải vì vậy mà ba tôi buông thả, lãng mạn. Ngược lại, ông rất mẫu mực và tỏ ra nghiêm khắc với anh em chúng tôi trong việc giữ gìn kỷ cương, nền nếp của gia đình tộc họ. Nhất là vào những ngày giỗ kỵ tổ tiên, ba tôi bắt buộc con cháu dâu rễ, bà con nội ngoại phải có đủ mặt, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt.
          Ba tôi thường khuyên tôi: "Âm nhạc đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mỹ, vì vậy, là người làm công tác âm nhạc con phải tỏ ra mẫu mực, đức độ, khiêm tốn, tâm hồn phải trong sáng cao đẹp. Không nên tự tạo cho mình một kiểu sống lập dị, khác người".
          Tôi nhớ mãi ngày giỗ mẹ tôi năm ấy, anh cả tôi là Viện trưởng của một Viện nghiên cứu khoa học, vì bận công việc nên về trễ. Ba tôi gọi lên khiển trách: "Việc nghiên cứu thì cả đời người còn ngày giỗ của mẹ anh mỗi năm chỉ có một. Anh là một nhà khoa học nhưng không phải vì vậy mà quên đi nền nếp tục lệ tốt đẹp của ông bà đặt ra? Cây có cội, nước có nguồn, nhà có gia phong. Càng học rộng càng nhớ đến công ơn tổ tiên. Cụ cố của anh có một thời làm quan to cho triều Nguyễn. Nhưng năm nào cũng vậy, hễ đến ngày giỗ kỵ là ông về thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên. Ông bác ruột của anh hồi còn sống, tuy ở tận bên Pari nhưng đến ngày kỵ nội anh là ông ấy bay về trước hai ngày. Cái lệ của ông bà ta xưa nay là vậy. Anh là con cả, nếu không làm gương cho con cháu thì còn ai vào đây?". Tuy lời giáo huấn của ba tôi còn nặng phong kiến nhưng không phải là sai. Từ đó, ngày giỗ kỵ là có mặt đông đủ. Nhờ vậy mà tình anh em chúng tôi ngày càng gắn bó, mối quan hệ họ hàng thêm gần gũi nhau hơn.
          Hôm nay là ngày giỗ ông nội tôi, ba tôi tổ chức lớn lăm, trước là tưởng niệm ngày nội tôi còn sống, sau nữa, mừng tôi đỗ đạt nên người. Bà con nội ngoại gần xa, cháu con dâu rể về dự đông đủ. Ba tôi rất vui vẻ và nhanh nhẹ mặc dù sức khỏe của ông dạo này kém lắm, bệnh tim thưởng trở đi trở lại luôn.
          Sau khi ăn uống xong, ba tôi mời những người có vai vế trong họ vào nhà ngang họp để bàn việc nới rộng ngôi nhà thờ họ. Ba tôi thường than phiền rằng, con cháu mỗi ngày một đông, trong khi diện tích ngôi nhà vẫn như cũ. Ngày giỗ ngày tết, con cháu về đông đủ nhưng không có chỗ ngồi. Trong cuộc họp, chú ruột tôi xin hiến khu đất trống gần trung tâm thành phố và đề nghị nên chuyển nhà thờ về đó để con cháu tiện việc đi lại. Có người lại đề nghị nên phá bỏ ngôi nhà thờ cũ, xây lại cái mới khang trang, rỗng rãi hơn. Phí tổn bao nhiêu họ hàng sẵn sàng đóng góp. Ba tôi không tán đồng những ý kiến ấy. Ông cho rằng, việc đi lại tuy không mấy thuận lợi nhưng thế đất ở đây rất vượng, rất lành. Từ bao đời nay, dòng họ tuy không ai thành tỷ phú nhưng phúc đức đầy nhà, con cháu hầu hết đều đỗ đạt nên người. Tên tuổi lừng lẫy. Di chuyển nhà thờ họ đi nơi khác là điều không nên làm. Còn việc phá bỏ để xây hoàn toàn mới lại càng không được. Không phải sợ tốn kém. Ngôi nhà tồn tại đã mấy đời, nơi thờ phụng tôn nghêm, cổ kính. Đó là di tích của tiền nhân để lại, con cháu phải lấy đó làm gốc để phát triển thêm chứ không được huỷ bỏ. Làm thế có tội với tổ tiên. Ý kiến của ba tôi được mọi người tán thành. Về kinh phí sửa chữa thì ông anh họ ở Pháp xin được cung cấp đầy đủ. Công việc sẽ tiến hành vào dịp sau tết. Thế là cuộc họp bàn tu tạo ngôi nhà thờ họ đã ổn. Ba tôi gọi tôi lại, bảo:
          - Hôm nay, con có thể cho ba nghe bản giao hưởng Từ Biệt được rồi đấy.
          Từ ngày tôi tặng ba cuộn bằng video ghi hình buổi trình diễn bản giao hưởng Từ Biệt đến nay đã gần một năm, nhưng ông chưa có dịp để thưởng thức. Lý do thứ nhất là cuộn băng chỉ dùng được với bộ đầu máy đa hệ, còn ba tôi hiện đang dùng đầu máy một hệ. Có lần ông anh rể xin được đổi bộ đầu máy, ông anh cả cũng có ý định như vậy, nhưng ba tôi đều từ chối. Ba tôi không muốn con rể vì mình mà tốn kém. Biết  ý ba tôi nên anh em chúng tôi không ai nhắc tới việc này nữa. Ngoài lý do trên, còn lý do nào nữa thì tôi không biết.
          Ngày về dự giỗ nội năm nay, ông anh họ ở Canada tặng cho ba tôi một bộ đầu máy đa hệ còn mới cứng trong hộp xốp. Vì vậy, hôm nay ba tôi muốn cùng anh em con cháu thưởng thức bản giao hưởng Từ biệt do tôi chỉ huy, bản nhạc mà ba tôi rất yêu thích. Tôi vội vào hộc tủ lấy cuộn băng hình mà ba tôi cất kỹ đã gần một năm cho vào đầu máy, mở điện, bấm nút... Phút chốc, trên màn ảnh nhỏ, dàn nhạc xuất hiện dưới ánh sáng yếu ớt vàng nhợt của những ngọn nến đang gắn trên giá nhạc. Những nhạc công đang chờ hiệu lệnh của tôi phát ra từ chiếc đũa ngà. Chương Adagio nổi tiếng bắt đầu trong khung cảnh thiếu ánh sáng như vậy.
          Thấy tôi cầm chiếc đũa ngà hất lên đập xuống trên màn ảnh nhỏ, chị tôi chế diễu:
          - Kìa, chú út đang cầm đũa bếp  làm trò phù thuỷ! Hi hi hiii.
          Ông anh họ ở Canada bồi them:
          - Sau này lấy vợ, không biết chú ấy có điều khiển nổi bà xã bằng chiếc đũa ấy không nhỉ?
          Cả nhà cười đùa vui vẻ. Ba tôi vội đưa tay ra hiệu cho mọi người yên lặng. Ngôn ngữ âm nhạc kỳ diệu trong chương đầu của bản giao hưởng hình như đã cuốn hút lấy tâm hồn ông. Mắt ông đăm đăm nhòn lên màn ảnh nhỏ, nét mặt luôn biến đổi theo làn sóng giai điệu âm thanh đầy bí ẩn. Thỉnh thoảng, ông quay sang tôi gật gù tán thưởng.
          Lúc này, trên màn ảnh nhỏ, một nhạc công đầu tiên đã hoàn thành phần giai điệu của mình. Anh thổi tắt ngọn nến rồi lặng lẽ rời sân khấu. Đến nhạc công thứ hai, thứ ba, thứ tư ... họ cũng lần lượt hoàn thành phần việc rồi thổi tắt ngọn nến trên giá nhạc của mình trước khi rời dàn nhạc. Số nhạc công rời sân khấu càng tăng thì dàn nhạc càng trở nên vắng vẻ,giai điệu đoạn cuối cùng mỏng dần trong không gian mờ tối lạnh lẽo...
          Cuối cùng, trên khân khẩu mờ ảo chỉ còn lại một nhạc công violon đang kết thúc giai điệu một cách buồn bã dưới sự hướng dẫn mệt mỏi của tôi (theo yêu cầu của tác phẩm).
          Trên màn ảnh nhỏ, người nhạc công Violon ngừng archer, âm thanh cuối cùng của tác phẩm giao hưởng Từ biệt vừ chấm dứt thì tiếng anh cả kêu lên thảng thốt:
          - Ba ! Ba ơi!
          Chúng tôi vội vàng chạy đến vây lấy ba tôi. Ông đã ra đi từ lúc nào nhưng dáng ngồi vẫn còn thanh thản, nét mặt còn lộ vẻ trầm tư. Hình như ba tôi đang chiêm nghiệm về sức mạnh lớn lao của ngôn ngữ âm nhạc, và chiều sâu  của tác phẩm mà ông hằng yêu thích.
          Cả đời người, ba tôi rất say mê và gắn bó với âm nhạc, khi từ biệt cuộc sống, âm nhạc lại tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng. Ba tôi đã ra đi một cách bình yên thanh thản như người nhạc công cuối cùng rời sân khấu sau khi đã thể hiện xuất sắc phần giai điệu của mình trong suốt chiều dài của tác phẩm.

1 nhận xét:

  1. Tôi rất thích truyện này. Chúc tác giả khoẻ!

    Trả lờiXóa