Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Truyện ngắn Xóm Giếng ngày xưa

Trần Quang Lộc

XÓM GIẾNG NGÀY XƯA
                                              Truyện ngắn

Bản năng của con người là khi còn trẻ luôn nghĩ đến tương lai, lúc tuổi già thường mơ về quá khứ. Có lẽ vì vậy, ở tuổi sáu mươi, những lúc nửa đêm về sáng, bất chợt thức giấc bắt gặp mảnh trăng gầy lạc lõng bên ngoài song cửa, ông Lợi lại  ngậm ngùi nhớ về xóm Giếng ngày xưa, nơi ông sinh ra và lớn lên với nhiều kỷ niệm, với từng khuôn mặt hiền lành chất phác của người dân quê cũ.
Nhưng xóng Giếng của một thời bình yên êm ả, khí hậu mát mẻ trong lành, vườn tượt tốt tươi, bốn mùa sum suê hoa trái, có những con người nặng tình, nặng nghĩa giờ đây chỉ còn tồn tại trong tâm tưởng, trong nỗi hoài niệm của ông. Làm sao ông có thể quên được cái giếng khơi đầu xóm của một thời xa lắc xa lơ. Ở đó, không những đã cung cấp một cách hào phóng nguồn nước tươi mát, ngọt ngào cho bà con xóm Giếng mà còn in đậm những kỷ niệm vui buồn về mối tình đầu mơ mộng, trong sáng của ông, hồi ông còn là anh trai làng trẻ trung, sôi nổi, mang nhiều mộng ước.

Các cụ kể lại, ngay từ thời xa xưa, cứ vào mùa trăng sáng, cánh trai gái xóm Giếng và các làng bên thường tụ tập dưới gốc cây bằng lăng cạnh thềm giếng nước, mượn cớ lấy nước để có dịp vui đùa nghịch ngợm nhằm thỏa mãn tính hồn nhiên sôi nổi của lứa tuổi đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Nhiều mối tình đằm thắm đã nẩy nở tại đây để rồi thành vợ thành chồng, cũng có những cuộc tình lúc đầu gắn bó sâu sắc sau đó lại chia xa.   
Thời trai trẻ, Lợi được tiếng giỏi giang, hiền lành, tốt bụng. Từ nơi giếng làng, Lợi đã gặp Nhàn, cô gái làng trên nổi tiếng xinh xắn, đằm thắm nết na. Tình yêu của họ đã nảy sinh bên thềm giếng quê nhà và thề thốt sẽ yêu thương nhau mãi mãi. Lợi và Nhàn đang choáng ngợp bởi hương vị nồng nàn ngọt lịm của mối tình đầu trong trẻo, đang phát hoạt một chân trời bảy sắc cầu vồng rực rỡ, nhóm con gái tinh nghịch xóm Giếng lại túm tụm, mò mẫm khám phá mối tình thầm lặng của họ và tìm cách trêu ghẹo. Mỗi lần trông thấy lợi gánh thùng hối hả lên giếng nước thì Duyên, cô gái nổi tiếng thông minh, vui tính, cất cao giọng :
-Ơi ! Anh Lợi, anh có một thân một mình, bộ gánh nước tưới dừa hay sao mà đêm nào cũng lên giếng nước đến tận khuya ?
-Này, con gái con đứa mà tò mò tọc mạch. Anh mà giận lên thì ...
-Thì, không cho ăn cỗ cưới của anh và chị Nhàn chứ gì ?
Lợi lắc đầu chịu thua rồi vội vã quay đi. Một lần, cánh con gái xóm Giếng bắt gặp quả tang Lợi và Nhàn đang ngồi cạnh nhau dưới gốc bằng lăng gần thềm giếng nước, Duyên cất lên giọng hò trong trẻo, ngọt lịm như dòng nước giếng khơi, bọn còn lại đồng thanh phụ họa :
Đêm nay trăng sáng giếng làng (a li hò lờ)
Anh Lợi đi gánh nước (a li hò lờ)
Cho chị Nhàn rửa chân (hò lơ hó lơ lắng tai nghe tiếng ai đang hò lơ).
Sau câu hò dí dỏm, cả bọn ôm bụng cười nghiêng ngửa, vầng trăng tròn vành vạnh đang lấp ló sau lũy tre như cũng… cười theo. Bị trêu bất ngờ, Nhàn đỏ mặt, còn Lợi giả mặt giận giơ nắm đấm về phía bọn con gái :
-Này, đừng ỷ đông mà bắt nạt kẻ yếu đấy nhé.
Bọn con gái xóm Giếng không chịu buông tha, họ chạy đến kéo áo Nhàn kêu toáng lên :
-Ối chị Nhàn ơi, cứu bọn em với kẻo anh Lợi đánh chết mất!
Nhàn giả giọng kẻ lớn :
-Nghịch lắm không ai chịu nổi. Cứ để ông ấy dần một trận cho chừa. Hi hi hi
Cả bọn lại cấu vào nhau cười rũ rượi, cười nghiêng ngửa làm cho mấy con chim đang ngủ trên ngọn bằng lăng chợt giật mình thức giấc kêu ríu rít.
Một đận, bà con xóm Giếng bỗng bàn tán xôn xao về việc chính quyền xã cho xe chở gạch, ngói, xi măng đến đổ bừa bãi trên khu đất trồng đậu cạnh kề giếng nước đầu xóm. Người thì cho rằng xã sắp xây phòng học cho con em xóm Giếng. Người khác lại bảo, sẽ xây trạm y tế phục vụ sức khỏe cho bà con. Có người tỏ vẻ hiểu biết khẳng định, ông Chủ tịch xã sắp về vườn nên xin đất chuẩn bị cất nhà. Mãi sau này người ta mới biết, chính quyền xã đang tiến hành xây dựng cơ sở sản xuất giấy carton dùng làm bao bì và bìa lịch. Nếu quả thực vậy thì môi trường xóm giếng sẽ bị ô nhiễm do nguồn nước cơ sở chế biến xả ra. Biết được ý đồ của lãnh đạo địa phương, bà con xóm giếng vội cử một số đại biểu lên tận ủy ban đòi bãi bỏ xây dựng cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn xóm Giếng để bảo vệ môi trường môi sinh cho bà con. Đại biểu xóm Giếng được ông Phó Chủ tịch xã giải thích rằng, lãnh đạo Uỷ ban đang khẩn trương tiến hành thực hiện chủ trương “Ưu tiên phát triển công nghiệp trên cơ sở nông nghiệp”.Nghị quyết của Đảng uỷ đã nhất trí chọn khu đất đầu xóm Giếng để xây dựng cơ sở sản xuất. Ông nhấn mạnh, đây là niềm tự hào của bà con xóm Giếng, là thành tích xuất sắc của lãnh đạo Uỷ ban, là gương điển hình tiên tiến để các xã khác noi theo. Việc xây dựng cơ sở sản xuất trên địa bàn xóm Giếng là cần thiết và không thể thay đổi. Nghe nói đến chủ trương, chính sách, nghị quyết... các đại biểu xóm Giếng rút cổ, không dám hó hé nửa lời. Họ ngầm bấm nhau lặng lẽ ra về.
Người xóm Giếng đau quặn lòng khi thì thấy cây bằng lăng tồn tại mấy trăm năm, hoa thơm lan tỏa khắp vùng đã bị đốn ngã, thềm giếng nước bị bức tường cao nghệu của cơ sở lấn chiếm gần hết. Nhưng nổi đau lớn nhất của bà con xóm Giếng là nguồn nước trong vắt ngọt lịm của giếng khơi từng nuôi sống hàng bao thế hệ bỗng nhiên bị cạn kiệt. Mọi người đều bàng hoàng thảng thốt trước sự kiện lạ lùng chưa từng xảy ra hàng trăm năm trước đây. Họ nghĩ, đó là điềm dự báo xóm Giếng sắp đến ngày tàn lụi!
Khoảng mấy hôm sau, người ta mới biết đích xác rằng, do nhu cầu sản xuất, ban chủ nhiệm đã cho đào bên trong cơ sở giấy một cái giếng sâu, đường kính gần 3 mét để lấy một lượng nước lớn tiêu dùng hàng ngày cho nhà máy . Vì vậy, các mạch nước ngầm chung quanh đều đổ vào giếng lớn, gây ra tình trạng mất nguồn nước của giếng khơi.
Trước sự kiện ấy, bà con không biết kêu vào đâu đành ngậm bồ hòn làm ngọt, lo chung công góp sức tìm nguồn nước mới. Nhưng ba cái giếng lần lượt đào ở ba nơi khác nhau đều cho một nguồn nước đỏ quạch, không thể sử dụng được cho việc ăn uống cũng như tưới tiêu. Thế là người xóm Giềng mỗi chiều phải gánh thùng qua các làng bên lấy nước lợ về dùng. Có người ra tận thị trấn xin nước máy. Từ đó, cánh nam nữ của xóm Giếng và các làng bên cạnh không còn cơ hội gặp nhau để tâm sự vui đùa.Thế là thềm Giếng khơi đầu làng một thời nhộn nhịp, đầy ắp những tiếng cười trong trẻo hồn nhiên bỗng trở nên im vắng tiêu điều trông đến tội nghiệp. Tội nhất là Lợi. Cái đau chung còn đang quặn thắt trong anh thì nổi buồn riêng tiếp đến làm cho anh chao đảo. Tin nhàn sắp lấy chồng ngoài thị trấn như một ngón đòn giáng mạnh vào đầu anh. Lợi mất ăn mất ngủ, người gầy rạc, da xanh tái. Anh có ngờ đâu con người bề ngoài rất đằm thắm nết na ấy lại chóng phụ tình phụ nghĩa?! Nhưng Lợi nào dám trách ai, chỉ tự thương mình là anh dân quê nghèo nàn chất phác cứ nhìn đời bằng đôi mắt tin tưởng lạc quan. Thế là hết, hết tất cả. Mối tình đầu trong trẻo ngọt lịm đã tan vỡ hoàn toàn, để lại trong anh một nổi đau quặn thắt. Anh hy vọng thời gian sẽ giúp anh khuây khoả lãng quên. Nhưng anh nào quên được – Khuôn mặt thanh tú phúc hậu với đôi mắt hồn nhiên sâu thẳm cứ trở về với anh trong những giấc mơ, để rồi khi bừng tỉnh, lại thấy day dứt buân khuâng trong nổi cô đơn trống vắng.
Một hôm, Duyên, cô gái dễ thương nhất xóm đến dúi vào tay anh một mảnh giấy: “Của chị Nhàn nhờ em trao hộ anh”. Nghe nói đến NHàn, LỢi không khỏi chạnh lòng. Anh vội mở tờ giấy ra xem. Thì ra, Nhàn hẹn gặp anh vào lúc trăng lên bên thềm giếng cũ. Lợi bỗng cau  mày thầm nhủ: “Con người sớm thay lòng đổi dạ ấy có đáng gì phải bận tâm”.Rồi anh lại nghĩ khác: “Dẫu sao, Nhàn vẫn còn trẻ người non dạ, sống chủ yếu bằng bản năng tự nhiên. Là đàn ông, tại sao ta không tỏ ra cảm thông và độ lượng?”. Hai ý nghĩ đối nghịch cứ dằn vặt lấy nhau. Mãi đến khi vầng trăng thượng tuần nhô lên khỏi cánh làng xa Lợi mới dứt khoát rời nhà men theo lối nhỏ dẫn đến thềm giếng cũ. Đã gần trọn tháng, kể từ hôm nguồn nước giếng bị khô cạn, Lợi chưa đến đây lần nào. Không ngờ quang cảnh giếng khơi lại hoang vắng đến thế! Bên thềm giếng cũ, Nhàn đang ngồi đợi anh. Lợi lặng lẽ đến ngồi bên cạnh. Họ lặng yên nhìn cảnh vật mờ ảo huyền hoặc trong làn sương đêm lãng đãng. Một lúc lâu, Nhàn khẽ nắm lấy bàn tay thô ráp của Lợi, giọng run rẩy :
-Anh Lợi, hãy tha lỗi cho em. Vì thương mẹ già mà em phải phụ anh. Có lẽ chúng mình không nên duyên phận!.
Lợi vội rút bàn tay về, giọng mỉa mai :
-Cô có lỗi gì mà bắt tôi phải tha thứ. Người có lỗi mới chính là tôi. Tôi chỉ là anh nông dân nghèo hèn lam lũ, không biết phận mình lại đèo bòng yêu một cô gái đẹp người đẹp nết như cô. Lẽ ra tôi phải xin lỗi cô mới đúng. Lợi chớm đứng lên - Nếu không có gì để nói thì chúng ta chia tay nhau vậy.
Nhàn cố giữ bàn tay của Lợi và nói qua tiếng nấc nghèn ngào :
-Anh đừng mỉa mai em. Anh đâu biết em yêu anh đến nhường nào.
Lợi phản đối bằng cách gỡ bàn tay Nhàn ra. Nhàn lại cố ôm chặt  lấy cánh tay của anh, nhẫn nại :
-Anh Lợi, hãy nghe em nói đã. Đây là lần cuối em van anh !
Thấy Nhàn xuống nước, Lợi càng cố đẩy Nhàn ra. Hai người cứ co kéo với nhau một lúc làm cho hàng nút bóp trên chiếc áo bà ba may bằng lụa mỏng của Nhàn bật ra, để lộ khuôn ngực đầy đặn, mịn trắng và đôi bầu vú căn tròn lồ lộ nét trinh nguyên đang run nhẹ theo làn hơi thở.! Lợi bỗng tối tăm mày mặt, đầu óc choáng váng trước vẻ đẹp mà thượng đế hình như chỉ ban riêng cho Nhàn. Lợi đang ở trong trạng thái đê mê, Nhàn nói qua hơi thở hổn hển :
-Em không trách anh đâu. Em sẵn sàng dâng cả cho anh trước khi em về nhà chồng.
Câu nói hết sức bất ngờ xuất phát từ trái tim của Nhàn đã dập tắt sự đam mê nhục thể. Lợi ngồi lặng lẽ trầm ngâm một lúc rồi đưa tay khép nhẹ đôi vạt áo trên khuôn ngực căng tròn mịn trắng của Nhàn. Anh đỡ nàng đứng dậy, nói giọng xúc động :
-Nhàn, em hãy tha lỗi cho anh. Có lẽ chúng mình không duyên số. Anh không thể làm điều đó được, anh sẵn sàng hy sinh tất cả vì hạnh phúc của riêg em mà.

Tình yêu của cô gái làng bên và chàng trai xóm Giếng bắt đầu và kết thúc bên thềm giếng nước. Cứ mỗi lần nhớ lại đêm trăng mơ màng lãng mạn bên giếng nước ngày xưa, ông Lợi lại ngậm ngùi và tự hỏi, không biết con người ấy bây giờ đang ở phương trời nào?
Từ khi cơ sở giấy xuất hiện, môi trường xóm Giếng ngày càng bị ô nhiễm dẫn đến tình trạng sức khỏe bà con suy sụp nghiêm trọng. Hàng ngày, lượng nước bẩn trong cơ sở sản xuất thải ra ngập các lối đi, thỉnh thoảng tràn xuống các thửa ruộng chung quanh làm cho đất nhiễm vôi nặng, cây lúa không phát triển nổi. Một số hộ đang canh tác lập tức trả quyền sử dụng, góp vốn vào Nam bán cốm bắp, bán trái cây, bán cà rem…. Các chất khí độc thải ra từ cỗ máy kéo khổng lồ cũ kỹ, từ một số lò nung nguyên liệu tạo thành những đám mây xám xịt bao trùm lên xóng Giếng. Nhà cửa, vườn tược vì vậy mà đen xỉn một màu than hắc ám. Một số bệnh ngoài da đã xuất hiện do mất nguồn nước sạch. Bệnh lao, bệnh viêm phế quản, viêm họng lần lượt nảy sinh. Trước đây người xóm Giếng năm khi mười họa mới đi trạm xá, thì giờ đây, có tuần đến bảy ca phải đưa đi cấp cứu tuyến trên. Đặc biệt, chỉ trong vòng nửa tháng, bệnh dịch tả đã cướp năm sinh mạng của người dân xóm Giếng.
Tiếp đến là cái chết đột ngột của Duyên, cô gái xinh xắn, sôi nổi đã làm cho bà con xóm Giếng phải bàng hoàng xot xa. Một hôm, trên con đường từ thị trấn gánh nước về nhà, khi băng qua quốc lộ I, Duyên bị chiếc Dream II chạy trái đường đâm phải. Duyên lập tức được Lợi đưa xuống bệnh viện tỉnh cấp cứu. Nhưng do vết thương quá nặng, Duyên đã vĩnh viễn ra đi !
Trước nỗi đau mất mát và tình hình dịch bệnh hoành hành, bà con xóm Giếng kéo đến gặp ông Chủ nhiệm cơ sở giấy, đề nghị đơn vị phải có trách nhiệm làm sạch môi trường, đảm bảo sức khỏe cho con người. Vốn là tá về hưu, trình độ văn hóa chưa hết cấp hai bổ túc, ông Chủ nhiệm tuyên bố bằng giọng đậm đặc chất lính : “Dịch bệnh lan tràn là do các đồng chí ăn ở mất vệ sinh. Cơ sở sản xuất hoàn toàn không chịu trách nhiệm”. Thất vọng, bà con lặng lẽ ra về. Từ đó, họ bỗng nảy ra ý định rời bỏ xóm Giếng để đến nơi khác kiếm sống. Ra đi đầu tiên là gia đình bác Cả Bá. Dòng họ bác Cả Bá sinh sống ở đây từ rất lâu đời, coi xóm Giếng như ruột gan máu thịt. Vậy mà giờ đây, bác đành dứt rễ ra đi để bảo tồn tộc họ. Người ra đi tiếp theo là ông giáo Ngọc. Ông Ngọc người thành thị nhưng chán cảnh bụi bặm phố phường nên về xóm Giếng để vui thú ruộng vườn trăng nước. Nhưng trước thực trạng bi đát của xóm Giếng, ông Giáo đành trở lại thành phố. Những gia đình còn lại cũng lần lượt ra đi. Trong vòng hai tháng, xóm Giếng chỉ còn lại hai hộ độc thân : Hộ anh Lợi và hộ chị Phương. Anh Lợi thì bảo, quê hương xứ sở bỏ đi sao đành ? Chị Phương lại khăng khăng, khi nào chú Lợi đi thì chị đi, chú Lợi ở lại chị cũng quyết bám trụ.
Chị Phương người xứ Quảng, lấy chồng xóm Giếng. Lấy nhau được nửa năm thì chồng chị đi nghĩa vụ rồi hy sinh ở chiến trường K. Mới hai bốn tuổi đời chị đã trở thành góa phụ. Mãn tang chồng, chị được nhiều người gắm ghé dạm hỏi, nhưng chị đều từ chối bởi trái tim chị đang mang nặng hình ảnh của ... một người. Lúc đầu, chị Phương xem Lợi như người em trai có cùng hoàn cảnh như chị. Chị thường lui tới nhà Lợi để nhắc nhở, bảo ban. Chị hơn Lợi đến tám tuổi. Rồi mối quan hệ đồi thường ấy đã dần dần giúp chị phát hiện ra rằng, ngoài cái thân thể cường tráng có sức cuốn hút mãnh liệt, Lợi còn có tâm hồn khoáng đãng, một tính cách rất đàn ông ẩn chứa chút duyên  ngầm. Thế là chị đem lòng thầm yêu trộm nhớ mặc dù chị thừa hiểu, nó sẽ không đi đến đâu, không điều gì hứa hẹn. Tình yêu câm lặng đó cứ dằn vặt chị, để rồi nửa đêm ngỡ ngàng tỉnh giấc, trong nổi trống trải cô đơn, chị không thể ngăn được nước mắt.
Về phía Lợi, từ ngày Nhàn ra đi lấy chồng, anh thường đến nhà chị Phương để mượn chút tình chị em lấp đi phần nào khoảng trống trong anh. Đến một lúc nào đó, Lợi giật mình khám phá ra, người chị kết nghĩa lâu nay của mình có một vẻ đẹp nồng nàn đằm thắm, một thân thể thon thả đầy sức gợi cảm. Nghĩa chị em trong anh bỗng chuyển thành tình yêu đôi lứa trong thoáng chốc. Nhưng mối tình khập khiểng mà cuồng nhiệt ấy anh chỉ dám âm thầm giữ kín trong lòng, vì nổi mặc cảm và sợ hãi. Cho đến ngày xóm Giếng chỉ còn lại hai người, Lợi và Phương vẫn quan hệ với nhau qua cái vỏ bề ngoài gượng ép, nhưng trái tim của họ thì mãi hướng về nhau.
Thế rồi một buổi tối đầu đông, thời tiết bổng trở nên se lạnh, Phương đến nhà Lợi để nhờ anh hôm sau sang chữa hộ chái nhà. Đến nơi, Phương thấy Lợi đang ngồi trầm ngâm bên ngọn đèn dầu chao đảo. Phương khẽ khàng kéo ghế ngồi đối diện và nói bâng quơ về thời tiết, về cơ sở chế biến giấy ngày càng tồi tệ, về môi trường xóm Giếng đang bị ô nhiễm nặng ... Hai người đang nói chuyện trên trời dưới biển thì bất chợt, một cơn gió ập đến làm ngọn đèn phụt tắt. Lợi đứng lên lần tìm hột quẹt. Không biết anh quờ quạng thế nào trong bóng tối mà bàn tay anh chạm nhằm bờ vai tròn lẳn mát lạnh của Phương. Lợi chột dạ định rút tay về thì bị một bàn tay mềm mại giữ lấy. Lợi  thực sự đê mê ngây ngất, toàn thân run rẩy khi hơi thở ngọt ngào quyến rũ của Phương cứ phả  vào mặt anh. Tình yêu lâu nay bị đè nén, giờ đây được dịp bùng lên dữ dội, mãnh liệt. Họ vội ghì chặt lấy nhau...
Sáng hôm sau, họ thức giấc khi ông mặt trời lên khỏi đọt tre. Chị Phương không còn nhắc chuyện chữa lại chái nhà. Hai người nhìn nhau mỉm cười âu yếm. Đó là dấu hiệu sự thỏa hiệp cuộc nhân duyên “rỗ sề cạp lại”. Năm sau, Phương sinh được đứa con trai đầu lòng kháu khĩnh, bụ bẫm. Đôi vợ chồng trẻ càng choáng ngợp trong hạnh phúc ngọt ngào. Khi thằng bé lên ba tháng tuổi bỗng bị bệnh viêm phế quản cấp tính, Hai vợ chồng Lợi vội đưa con lên bệnh viện cấp  cứu. Nhưng đã muộn, thằng bé không qua khỏi!
Nổi đau mất con đã thôi thúc vợ chồng Lợi sớm rời bỏ quê hương để đến xứ khác lập nghiệp.
Ngày ra đi, ngồi trên chiếc xe đò quay nhìn về xóm Giếng đang khuất dần sau màn sương mai lãng đãng, Lợi cứ thấy lòng rưng rưng ...

Ông Lợi đưa tay gạt mấy giọt nước mắt. Ông cố ngủ thêm nhưng không thể nào ngủ được. Ông đang nhớ đến quặn lòng về một thời bình yên êm ả trên xóm Giếng ngày xưa
                                                         TQL



1 nhận xét: