Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Hoạt động VHNT


PHỔ BIẾN TÁC PHẨM VĂN HỌC  Ở CƠ SỞ 
-THỰC TRẠNG VÀ BIỆN PHÁP-
Từ trái sang phải: Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Đình, Đỗ Mão, Dạ Thảo, Lê Công

 (Trích tham luận của ông Hoàng Ngọc Đình, PCT phụ trách Hội VHNT Bình Định trong cuộc Hội thảo tổ chức tại  TP Vũng Tàu vào đầu tháng 11 vừa qua)

Thưa quý vị và các bạn,                                                  
Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về văn hoá văn nghệ thời kỳ đổi mới ban hành đã hơn 2 năm nhưng thực chất vẫn chưa đi vào chiều sâu của đời sống văn hoá văn nghệ
Rất có nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan cũng có;  vì thời lượng phát biểu không cho phép, tôi chỉ trình bày hai nguyên nhân cơ bản:

Nguyên nhân thứ nhất là tác phẩm văn học
Trong nhiều năm qua, nguồn kính phí hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật của trung ương đưa về các địa phương. Mặc dù kinh phí hỗ trợ chỉ mang tính tượng trưng, tiêu biểu, nhưng đó là nguồn động viên, cổ vũ, giúp cho văn nghệ sĩ yên tâm hơn, hưng phấn hơn trong lao động sáng tạo. Nhờ nguồn kinh phí này mà trên thị trường văn chương hiện nay của cả nước xuất hiện nhiều cây bút mới, nhiều tác phẩm mới. Nhưng nhìn chung, tác phẩm gọi là đọc đựơc thì rất hiếm, phần lớn chỉ là những tác phẩm làng nhàng, chất lượng thấp về nghệ thuật biểu đạt, về nội dung tư tưởng, chưa đáp ứng nhu cầu đông đảo bạn đọc có trình độ cảm thụ ngày càng cao. Về vấn đề này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà văn, nhà lý luận văn học xuất hiện trên các mặt báo, trên các diễn đàn văn học vể tính hiệu quả của nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ sáng tác VHNT.
Bên cạnh những tác phẩm văn học chưa xứng tầm còn xuất hiện một số tác phẩm văn học của những cây bút trẻ theo xu hướng cách tân, hiện đại, hậu hiện đại. Tất nhiên việc cách tân về hình thức lẫn nội dung trong sáng tác là rất cần thiết, nó làm mới diện mạo văn học Việt Nam. Nhưng những tác phẩm này chưa được đông đảo bạn đọc đón nhận một cách nồng nhiệt bởi họ chưa quen với xu hướng sáng  tác còn rất  mới này.
Do vậy, để có tác phẩm văn học hay, đồng thời phù hợp với mức độ cảm thụ của công chúng cũng là một điều khiến chúng ta phải suy nghĩ…

Nguyên nhân thứ hai là việc phổ biến tác phẩm văn học ở cơ sở:
Việc đưa tác phẩm văn học đến tận cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hoá cho nhân dân lao động trong thời gian qua chưa được các cơ quan chức năng, các ngành chủ quản quan tâm đúng mức. Hệ thống thư viện các phường xã, thôn bản ở một số địa phương chỉ tồn tại trên lý thuyết, trên văn bản hành chánh, nhưng trên thực tế, mọi hoạt động bị tê liệt vì chưa có sự đầu tư thích đáng của lãnh đạo địa phương, của ngành chủ quản; chưa có cán bộ chuyên trách đủ năng lực, có tâm huyết để đảm nhận công tác này. Thậm chí nhiều nhà văn hoá cấp phường, xã bị bỏ hoang, tường nghiêng, mái đổ, có nơi được sử dụng vào công việc khác như đài, báo đã đưa tin. Một số thư viện cấp huyện cũng chỉ tồn tại trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thôn: khó khăn về kinh phí hoạt động, thiếu về trang thiết bị phục vụ bạn đọc, thiếu về sách báo, nhất là tác phẩm văn học; vì vậy, các thư viện này không có sức hấp dẫn để thu hút  người đọc.
Thưa quý vị và các bạn,
Tác phẫm văn học làng nhàng, chưa đáp ứng nhu cầu bạn đọc; hệ thống thư viện từ phường xã đến thôn bản chưa được sự quan tâm tích cực của các cơ quan chức năng; thiếu cán bộ chuyên trách có năng lực, nhiệt tình nên mọi hoạt động bị tê liệt. Theo tôi, đây là hai nguyên nhân chủ yếu  dẫn đến tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị chưa thực sự đi vào cuộc sống như chúng ta mong muốn.

Biện pháp:
Từ những nguyên nhân trên, tôi xin đưa ra 2 vấn đề mà các cơ quan chức năng cần phải quan tâm đúng mức trong thời gian sắp tới:
-Một là: Chính sách hỗ trợ văn học cần phải đầu tư về chiều sâu, có định hướng, không nên đầu tư theo kiểu “mặt trận” như lâu nay chúng ta đã thực hiện. Có như vậy mới thu hút được những cây bút tên tuổi, mới có những tác phẩm xứng tầm phản ánh một cách sắc sảo, tinh tế đời sống xã hội bằng sức mạnh của ngôn ngữ văn học phục vụ nhu cầu bạn đọc
-Hai là: Cơ quan ban ngành chức năng trong thời gian tới phải củng cố toàn diện hệ thống thư viện từ cấp huyện đến các phường xã, thôn bản. Phải mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách có bài bản và có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Phải đầu tư kinh phí xây dựng thư viện chuẩn, hội đủ các yếu tố: thoáng mát, rộng rãi, khang trang, trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ bạn đọc; sách báo phải phong phú đa dạng và được  cập nhật hàng ngày, đặc biệt là những tác phẩm văn học có giá trị không thể thiếu trên giá sách của thư viện. Địa phương nào có điều kiện thuận lợi nên thành lập câu lạc bộ văn thơ và đưa vào hoạt động có hiệu quả như một số phường trong thành phố đã làm. Trong chương trình phát thanh thời sự địa phương nên dành một ít thời lượng giới thiệu một số tác phẩm văn học mới nhập vào thư viện. Phải thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đọc sách báo trong những lúc nông nhàn hay thời gian rảnh rổi vừa giải trí, vừa tự nâng cao kiến thức, nâng cao vốn văn hoá để trở thành công dân của thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước.
Sau cuộc hội thảo với nột dung thiết thực, bổ ích này, chúng ta hy vọng công tác phổ biến tác phẩm văn học đến cơ sở sẽ đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực đưa nghị quyết 23 của Bộ chính trị  đi vào chiều sâu đời sống văn hóa văn nghệ như chúng ta mong muốn.




2 nhận xét:

  1. lần đầu vào thăm nhà mới of anh. Chúc anh khỏe và viết đều

    Trả lờiXóa
  2. Có bạn tôi commen cho anh rồi đó.
    Chúc anh viết hay hơn nữa, sướng chưa?

    Trả lờiXóa