Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Bình luận chuyện ngắn Mai Trường sơn

MAI TRƯỜNG SƠN                                

Truyện ngắn Trần Quang Lộc
           Hoa mai nở sớm hoặc muộn tuỳ thuộc vào thời tiết của những ngày cuối đông và còn phụ thuộc vào thời gian lặt lá nữa.Có năm mới hai chín ba mươi tết, hoa mai đã bắt đầu tàn. Cũng có năm đến mùng một mùng hai Tết, hoa mai vẫn chưa kịp nở. Riêng cây mai vàng trước cửa nhà tôi năm nào cũng  vậy: lác đác ra hoa đúng vào những ngày giáp Tết, nở rộ trong đêm giao thừa, mùi hương thanh khiết ngọt ngào lan tỏa cả một vùng. Thêm một đặc điểm nữa, cây mai nhà tôi ra hoa suốt cả mùa xuân. Thường vào khoảng cuối tháng giêng âm lịch, mai các vùng khác đã lụi tàn, dồn sức cho cây đâm chồi nẩy lộc, riêng cây mai nhà tôi vẫn tiếp tục nở hoa, cánh vẫn to, khỏe, vàng rực và hương thơm ngan ngát. Dân chơi mai sành điệu cho là giống mai quý hiếm và nhiều người xin hạt về nhân giống, nhưng họ bị thất bại, vì những cây mai thế hệ sau không có những đặc điểm của cây mai nhà tôi. Rốt cuộc họ bảo, cây mai được trồng chỗ đất tốt nên có những tính cách độc đáo, mai các vùng khác không theo kịp.
          Tôi quý cây mai không chỉ riêng hoa mà cả cái thế cây nữa. Dáng mai thanh thoát, uyển chuyển như dáng vẻ của một cô gái, dịu dàng, quý phái. Rảnh rỗi, tôi dành nhiều thời gian cho việc chăm bón tưới tiêu, do vậy mà cây mai nhà tôi phát triển xanh tươi, hơn hẳn mai của các nhà vườn chung quanh. Cây mai vàng đã trở thành người bạn thân thiết của tôi không biết từ lúc nào.
          Mùa hè năm ấy, do công tác đột xuất nên tôi phải tạm xa nhà hơn 3 tháng. Trước khi ra đi, tôi căn dặn Ngọc Yến, em gái tôi, phải thay tôi chăm sóc cây mai chu đáo. Tôi rất tin Ngọc Yến vì nó cũng quý hoa mai như tôi vậy.
          Xong công việc, tôi trở lại nhà. Về đến cổng ngõ, tôi bàng hoàng thảng thốt khi trông thấy cây mai vàng đã trụi lá, thân và cành cây xám xịt như một bộ xương khô. Quên cả chuyển đồ vào nhà, tôi đứng thẩn thờ bên gốc mai trong tâm trạng bùi ngùi luyến tiếc. Em tôi cố giải thích để tôi tin rằng, nó đã chăm sóc hết mực, nhưng cây mai vẫn cứ tiếp tục lụi tàn và cuối cùng... hết phương cứu chữa!
          Cuối thu, nhìn thân mai khẳn khiu giữa tiết trời giá rét mà thấy nhói lòng. Tôi chợt nảy ra ý định đào lấy gốc mai, đẽo gọt thành món đồ mỹ nghệ để làm vật kỷ niệm. Tôi rất có khả năng về lĩnh vực này. Nghĩ vậy nên anh em tôi mang cuốc xẻng ra bắt đầu đào bới. Nhờ lớp đất tơi xốp nên công việc của chúng tôi không mấy khó khăn mặc dù rễ mai cứ ăn sâu vào lòng đất ẩm. Sau một lúc làm việc khẩn trương, gốc mai vàng bỗng bật rễ, lôi theo một khúc xương xám xịt! chúng tôi định thần nhìn kỹ, đó là một khúc xương người, loại xương cánh tay nhỏ nhắn. Việc xảy ra bất ngờ nên chúng tôi nhìn nhau kinh ngạc! Ngọc Yến vội bỏ xẻng đứng lên, tuyên bố sẽ không tiếp tục giúp tôi được nữa. Riêng tôi, vốn có óc tò mò và làm bất cứ việc gì cũng đến nơi đến chốn. Tôi không thể bỏ cuộc giữa chừng. Sau  khi nhổ bật gốc mai để dạt qua một bên, tôi tiếp tục thận trọng đưa từng nhát xẻng vào lớp đất tơi xốp và tự nghĩ, mình đang làm một việc thiêng liêng đối với người đã khuất mặc dù chưa biết người ấy là ai. Sau nửa tiếng đồng hồ khai quật, một bộ xương người còn nguyên vẹn hiện ra trước mắt chúng tôi. Là một giáo viên sinh học, Ngọc Yến khẳng định, đây là hài cốt của một phụ nữ, có thể một cô gái còn đang rất trẻ. Đang phân vân trước lời phỏng đoán, bỗng Ngọc Yến cho biết, có một vật gì đó lấp lánh trên khúc xương cổ của hài cốt. Tôi vội cuối xuống quan sát và phát hiện ra một sợi dây chuyền vàng tây mặt hình vuông. Tôi thận trọng tháo sợi dây chuyền vàng ra khỏi bộ xương, lau sạch, xem kỹ. Trên mặt vuông của sợi dây có chạm nổi hai chữ "Xuân Mai". Lúc này tôi có cơ sở để tin rằng, đây là hài cốt của một cô gái mang tên Xuân Mai, và hình như, có một sợi dây thiện cảm nào đó đang nối liền giữa tôi với người con gái đã khuất.
          Để tránh mọi phiền phức có thê xảy ra, tôi cho người đi mời đại diện chính quyền địa phương đến chứng kiến việc làm của chúng tôi. Sau khi quan sát hiện trường, ông ta giải thích, trước giải phóng, đây là vùng đất hoang, rải rác mồ vô chủ. Sau giải phóng, dân các nơi tụ tập đến san bằng để xây nhà cửa, vườn tược. Vì vậy, mồ mả bị mất sạch. Nếu cái nào còn sót lại thuộc khuôn viên của ai thì hộ đó phải có nghĩa vụ bảo quản hoặc tự cải táng.
          Để làm tròn bổn phận, tôi lo mua sắm đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho việc cải táng rồi thuê người chuyển hài cốt đến góc vườn nhà tôi, một vị trí yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng mát. Việc cải táng tuy đơn giản nhưng trang nghiêm, đủ các nghi lễ cần thiết. Ba hôm sau, tôi thuê thợ vôi đến xây ngôi mộ giản đơn mà xinh xắn và cho khắc dòng chữ: "Phần mộ: Xuân Mai, cải táng ngày ... tháng ... năm ...". Riêng sợi dây chuyền vàng, tôi lau rửa sạch sẽ, cất kỹ làm vật lưu niệm. Một cây mai vàng khoẻ khoắn cũng được thế vào vị trí của cây mai trước đó.
          Tôi nghĩ bụng, mọi việc rồi sẽ đi vào lãng quên. Sau chiến tranh kẻ còn người mất, ai quan tâm đến một nấm mồ vô chủ?! Nơi cõi vĩnh hằng, người con gái vắn số chắc không còn buồn tủi vì đã có mồ yên mả đẹp, hương khói quanh năm. Nghĩ vậy nên lòng tôi rất thanh thản!
          Cũng vào năm ấy, để hưởng ứng phong trào làm kinh tế VAC của Chính phủ, tôi thuê người trồng mai trên khu vườn nhà rộng trên một sào. Sau ba năm, khu vườn nhà đã có trên ngàn gốc mai đủ cỡ, đủ loại; trong chậu có, ngoài đất cũng có. Hằng năm, vào những ngày giáp tết, mai nhà và các vườn bên cạnh nở vàng rực, hương thơm lan tỏa. Dân từ các nơi đổ xô đến mua hoa, sỉ có và lẻ cũng có, xe cộ dập dìu,  làng tôi vui như ngày hội, lâu dần thành lệ. Dân làng tôi quen gọi: Hội mai xuân.
          Vào một buổi sáng đầu xuân đẹp trời, tôi đang đọc báo trong phòng khách, bỗng  nghe có tiếng người nói thì thào phía trước sân. Qua khung cửa sổ, tôi bắt gặp  hai người đàn bà, tuổi trên bốn mươi. Một người có dáng vẻ giàu sang quý phái, khuôn mặt thanh tú. Người còn lại nước da hơi xanh nhưng khuôn mặt rất có duyên. Hình như họ đang trao đổi một việc gì đó rất hệ trọng. Người đàn bà có nước da xanh nói giọng Bắc. Chị ta vừa quan sát khu vực chung quanh sân nhà vừa nói những câu gì đó, nghe không rõ. Người còn lại hình như đang mang một tâm trạng lo lắng buồn rầu. Dạo đó, khu vực nơi tôi cư trú, tuần nào cũng có nhân viên của Sở đất đai, Sở Xây dựng hoặc của Công ty công chính đến ngắm nghía, đo đạc, vẽ sơ đồ. Vì vậy, sự hiện diện của hai người đàn bà không làm cho tôi quan tâm. Lại có tiếng reo mừng từ ngoài sân vọng vào buộc tôi phải hạ tờ báo xuống, lắng nghe:
          - Xuân Mai- Người đàn bà xứ Bắc nói giọng run run, có lẽ vì quá xúc động - em đã tìm ra cái mốc rồi. Đây nầy, là cây duối ngày xưa. Tuy đã bị phạt bằng nhưng còn để lại dấu vết. Nếu không xem xét kỹ khó mà phát hiện ra chị à.
          Người đàn bà giàu sang bỗng trở nên nhanh nhẹn, nét mặt tươi vui.
          Người xứ Bắc nói giọng tự tin:
          - Em nhớ rất kỹ chị à. Từ gốc duối này đi về hướng tây khoảng sáu bước sẽ gặp mục tiêu. Miệng nói, chân bước rồi đột nhiên dừng lại - Đúng là chỗ này rồi chị ạ!
          Hai người đàn bà đứng lặng người bên gốc mai vàng trước cửa phòng tôi đang thời nổ rộ!
          Linh cảm cho biết, có một việc gì đó hệ trọng sắp xảy ra và có ít nhiều liên quan đến tôi. Tôi khẽ khàng mở cửa rời khỏi phòng. Nghe tiếng động nhẹ, hai người đàn bà quay lại bối rối chào tôi, trên nét mặt còn đọng lại một niềm vui lẫn nét buồn. Nhờ mấy câu giới thiệu, tôi được biết: Người đàn bà có nước da tai tái tên Quỳnh Mai, quê xứ Bắc. Người còn lại tên Xuân Mai, người miền Nam.
         -Chị em tôi vào sân nhà anh nhưng chưa xin phép, mong anh thứ lỗi.
          Như để thanh thủ thời gian, Quỳnh Mai vội đi thẳng vào vấn đề:
          - Chị em tôi đang đi tìm hài cốt của một người bạn đã hy sinh cách đây gần hai lăm năm. Với từng ấy năm, cảnh vật quá nhiều thay đổi. Chị em tôi cứ quanh quẫn nơi đây đã non tuần lễ. Hôm nay mới tìm được nơi yên nghỉ của Tiểu Mai, đồng đội của tôi ngày xưa.
          Mặc dù đã đoán biết được phần nào sự việc, nhưng tôi vẫn rất nhạc nhiên vì hai người đàn bà lại trùng tên với người đã khuất. Hơn nữa, cái tên Tiểu Mai nào đó càng làm cho tôi thắc mắc khó hiểu.
          Để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc có thể xảy ra, tôi thuật lại nguyên nhân cải táng một hài cốt, về việc phát hiện sợi dây chuyền vàng rồi khẳng định, người con gái vắn số có tên Xuân Mai chứ không phải Tiểu Mai  như Quỳnh Mai đã nói. Xuân Mai nhìn tôi bằng  đội mắt mọng nước:
          - Hài cốt anh đã cải táng đúng là của em tôi, là đồng đội của Quỳnh Mai trong chiến tranh. Chúng tôi vô cùng cảm động về tấm lòng nhân hậu của anh, đã giúp em tôi có chỗ nằm yên ổn.
          Tôi đưa hai người đàn bà ra sau vườn viếng mộ trong tâm trạng băn khoăn, khó hiểu. Ngay trưa hôm đó, hai người đàn bà cho tôi biết vài nét về Tiểu Mai.
          - Chúng tôi là hai chị em song sinh, giống nhau như hai giọt nước. Tôi tên Xuân Mai, em tôi tên Tiểu Mai. Năm mười bảy tuổi, chị em tôi thi đỗ Tú Tài phần hai. Ba tôi thưởng cho mỗi đứa một sợi dây chuyền bằng vàng tây, mặt dây chuyền có khắc tên mỗi đứa. Cũng trong năm đó, Tiểu Mai lên Sài Gòn theo học Văn Khoa, tôi tình nguyện ở lại giúp mẹ trông nom một cửa hàng lớn trong thành phố. Trước ngày Tiểu Mai lên Sài Gòn, chúng tôi  trao đổi dây chuyền cho nhau. Điều đó không có gì là lạ, hồi còn bé, chúng tôi thường trao đổi đồ chơi cho nhau. Cuối năm thứ ba Văn Khoa, Tiểu Mai tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình của sinh viên chống chế độ Sài Gòn. Sau đó bị cảnh sát truy nã, Tiểu Mai chạy ra vùng giải phóng tham gia hoạt động cách mạng. Từ đó, Tiểu Mai không trở về nữa.
          Quỳnh Mai tiếp lời Xuân Mai bằng giọng sôi nổi, đôi lúc cũng đượm buồn:
          - Năm ấy, đơn vị thanh niên xung phong chúng tôi được bổ sung mười sáu đoàn viên, thay chỗ cho những đồng đội vừa mới hy sinh. Họ đến từ khắp mọi miền đất nước. Trong số mười sáu lính mới có Tiểu Mai. Tiểu Mai rất thông minh, vui tính, có học thức và rất dễ làm quen. Chỉ trong tuần lễ đầu, Tiểu Mai đã chiếm được cảm tình của chị em chúng tôi đến nổi lãnh đạo đoàn phải nhìn Tiểu Mai bằng đôi mắt tị hiềm. Do cùng tên, chủ yếu là cùng chung tính cách nên tôi và Tiểu Mai rất thân nhau. Tình bạn đã giúp chúng tôi vơi bớt nổi nhớ nhà, tăng thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn gian khổ của thời chiến tranh. Có những đêm trên đường đi chiến dịch, chúng tôi ngồi cạnh nhau vừa trông ánh sao trời vừa kể cho nhau  nghe về quãng đời tuổi thơ, về những kỷ niệm buồn vui của thời con gái nhiều mơ mộng. Đôi lúc, chúng tôi rất tự hào vì đã  cống hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng. Nhưng cũng có khi lại cảm thấy ngậm ngùi cho số phận vì đã trót sinh ra trong thời ly loạn. Bọn con gái Trường Sơn chúng tôi hồi ấy rất dễ buồn mà cũng dễ vui anh ạ!
          Quỳnh Mai yên lặng một lúc rồi kể tiếp bằng giọng đượm buồn:
          - Một đêm giáp tết, tôi và Tiểu Mai được lệnh đưa cánh quân của ta về một huyện đồng bằng, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công mùa xuân. Sau khi đưa cánh quân đến vị trí tập kết an toàn, chúng tôi lập tức quay về đơn vị để nhận nhiệm vụ mới. Phần vì đêm cuối năm trời tối như mực, phần vì kiệt sức do nhiều đêm thức trắng, chúng tôi sơ ý lọt vào ổ phục kích của một tiểu đội địa phương quân. Ngay từ loạt đạn đầu của địch, Tiểu Mai đã bị thương ở đùi và ở ngực. Lòng căm phẫn dâng cao tột độ khiến tôi chống trả quyết liệt để trả thù đồng đội. Mặc dù đang bị thương nặng, Tiểu Mai vẫn nắm chắc tay súng, lia từng loạt đạn căm thù về phía giặc. Tiểu Mai bỗng nói với tôi, giọng đứt quãng: "Mày phải khẩn trương trở về đơn vị, tao đủ sức chống trả bọn chúng". Tôi nhất quyết ở lại, thề sống chết bên nhau. Tiểu Mai phản đối kịch liệt: "Mày không nghe, tao tự vận bây giờ". Sống với nhau lâu ngày nên rất hiểu tính cách của Tiểu Mai, nó rất quyết đoán và đã nói là làm. Vì vậy, tôi cố nén thương đau, để lại tất cả những băng đạn tôi mang theo rồi vội quay vào bóng đêm vừa tìm phương án tối ưu giải thoát đồng đội.
          Thoát khỏi tầm súng carbine của địch, tôi dừng lại cũng vừa đúng lúc tiếng súng im bặt. Chắc anh thưa biết, bọn lính địa phương nhát như thỏ đế, nghe tiếng súng AK đã hoảng hồn. Tôi quyết định quay lại để tìm đồng đội. Đến chỗ cũ, tôi bắt gặp Tiểu Mai đang ngồi dựa lưng vào một mô đất, đầu ngoẹo sang một bên, nhưng vẫn nắm chắc súng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Không chậm trễ một giây, tôi vội xốc Tiểu Mai lên vai, băng qua cánh đồng. Đến một miền đất trống và tương đối an toàn, tôi đặt Tiểu Mai dựa vào gốc duối. Quỳnh Mai nhìn ra góc sân - Kia, gốc duối tuy đã bị phạt bằng nhưng vẫn còn vết tích. Lúc đó, Tiểu Mai tỉnh lại, hỏi bằng giọng mệt nhọc: "Quỳnh Mai đấy phải không?". Rồi nó cầm lấy tay tôi, giọng như một cơn gió thoảng: ‘Mình thấy khó thở lắm. Hình như đạn trúng phổi. Chắc không qua khỏi. Mày hãy để tao nằm lại đây. Cầu mong cho mày bình yên. Cho tao gửi lời chia tay các bạn". Tôi ôm chầm lấy Tiểu Mai khóc nức nở. Một lúc sau, nó đi luôn. Lúc này trời sắp rạng đông, không khéo sẽ bị lộ. Tôi vội tìm một chỗ đất tơi xốp, cách gốc duối không xa, lấy mũi súng làm xà beng, lấy bàn tay làm xuổng, khẩn trương đào một cái hố vừa đủ chỗ cho Tiểu Mai. Chôn cất bạn xong trời cũng vừa rạng sáng. Tôi bùi ngùi đứng lên từ biệt người bạn đã từng chia ngọt xẻ bùi trong những năm tháng ở Trường Sơn đầy gian khổ. Sau ngày thống nhất đất nước, tôi được chuyển về làm hộ lý tại một Trạm quân y rồi được phục viên với tấm giấy chứng nhận thương binh loại hai trên bốn. Trở về cuộc sống đời thường với vô vàn khó khăn nối tiếp nhau chồng chất, hoàn cảnh neo đơn, vết thương cũ cứ trở trời lại nhức nhối. Vì vậy, nhiều lúc nhớ Tiểu Mai da diết nhưng cũng đành chịu. Tôi lấy làm hối tiếc. Lẽ ra tôi phải đi tìm đồng đội của mình trong những ngày mới vừa giải phóng. Tôi có lỗi! -Quỳnh Mai rút khăn tay lau mấy giọt nước mắt, tiếp:
          - Một hôm, tôi tình  cờ nhận ra hình ảnh của Tiểu Mai trên màn ảnh truyền hình Việt Nam, trong mục "Nhắn tìm đồng đội". Hôm sau tôi thu xếp việc nhà rồi vội vã vào Nam, lần thao địa chỉ tìm đến nhà Xuân Mai, hóa ra chị Xuân Mai cũng có cuộc sống đơn chiếc như tôi. Chị em khẩn trương về đây tìm em, , tìm đồng đội.
          Tôi an ủi Quỳnh Mai:
          - Tuy có muộn màng, nhưng Quỳnh Mai đi tìm đồng đội của mình bằng trái tim, bằng tất cả tấm lòng thủy chung nhân hậu. Thời bây giờ, không ít người nhờ sự hy sinh của đồng đội mới được lành lặn trở về với cuộc sống giàu sang sung sướng, nhưng họ quay lưng lại với tất cả!
          Tôi xoay câu chuyện sang hướng khác:
          - Xuân Mai quyết định chuyển hài cốt của em về nghĩa trang liệt sĩ?.
          Xuân Mai lắc đầu.
          - Không, em tôi chưa được công nhận liệt sĩ!.
          Tôi không giấu được sự ngạc nhiên sau câu nói của Xuân Mai, Quỳnh Mai giải thích:
          - Sau khi Tiểu Mai hy sinh không lâu, đơn vị thanh niên xung phong của chúng tôi cũng bị xóa sổ trong một trận máy bay B52 ném bom rải thảm lúc đang làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường Trường Sơn. Vì vậy ...
          Xuân Mai vội cắt lời :
          - Thật lòng, tôi không bận tâm lắm về việc này. Nay tìm được hài cốt của em là tôi mãn nguyện .
          Sau câu nói của Xuân Mai, tôi suy nghĩ đắn đo trong giây lát rồi đưa ra ý kiến:
          - Đã từ lâu, tôi xem Tiểu Mai như em gái nên thường xuyên hương khói, tu tảo phần mộ hàng năm. Nếu như Xuân Mai chuyển em về nghĩa trang liệt sĩ, tôi không dám cản. Nhưng đưa về để gần quê quán thì Xuân Mai và Quỳnh Mai nên để Tiểu Mai nằm lại ở đây. Hằng năm, cứ vào hai bảy tết, Xuân Mai và Quỳnh Mai hãy trở lại đây để cùng tôi tổ chức ngày giỗ Tiểu Mai. Như vậy cũng trọng tình, trọn nghĩa. Tiểu Mai chắc cũng vui lòng. Mong Xuân Mai và Quỳnh Mau hãy suy nghĩ kỹ. Sự nhiệt tình của tôi xuất phát từ lòng quý trọng....
          Ý kiến bất ngờ của tôi hình như đã làm cho hai người đàn bà rất xúc động, họ nhìn nhau rươm rướm nước mắt và không nói được lời nào. Tôi lấy sợi dây chuyền đã cất giữ gần 3 năm đưa cho Xuân Mai:
          - Đây là di vật cuối cùng của Tiểu Mai. Xuân Mai hãy giữ lấy.
          Nhìn kỷ vật ngày xưa, Xuân Mai không cầm được nước mắt. Một lúc sau, Xuân mai tháo sợi dây chuyền đang đeo đem so với sợi dây tôi mới đưa, hai sợi dây hoàn toàn giống nhau, chỉ khác một chữ trên mặt hình vuông.. Không hiểu sao, Xuân Mai trao lại sợi dây chuyền cho tôi và nói:
          - Mặc dù nó mang tên tôi nhưng nó là di vật cuối cùng của Tiểu Mai. Anh đã cất giữ nó gần ba năm, giờ đây anh vui lòng tiếp tục giữ lại để làm vật kỷ niệm. Anh rất nhân hậu. Tình cảm của anh dành cho chị em tôi vô cùng lớn. Không biết ngày nào chúng tôi mới đền đáp được.
          Từ đó hàng năm, cứ vào hai mươi bảy tết, Xuân Mai và Quỳnh Mai trở lại nhà tôi dự ngày giỗ của Tiểu Mai. Sau đó tham gia hội mai xuân diễn ra trên làng tôi. Đặc  biệt, Ngọc Yến rất quý Xuân Mai và Quỳnh Mai. Có năm nó giữ họ lại cho đến mùng tám tết mới chịu chia tay
                                                                                                                                  TQL.
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN ĐỨC THIỆN về truyện “ Mai Trường sơn” 14.5.11

Mai Trường sơn” của Trần Quang Lộc là một truyện ngắn thật giản dị. Giản dị đến mức làm cho người ta tưởng đó là chuyện được tác giả sắp xếp cho nó diễn ra đúng trình tự phải có. Chuyện xảy ra trong một gia đình thích chơi hoa kiểng. Trong vườn nhà anh có một cây mai  của rừng Trường Sơn thật đẹp và sung mãn. Hoa nở đầy đặn, đúng ngày và nở lâu trong những ngày xuân đến. Một ngày kia cây mai bỗng chết khô. Cũng vì tiếc cây mai quý, người chủ cây mai đào lên, tính làm thành một cây kiểng khô. Không ngờ bên dưới gốc mai có một bộ xương người. Chỉ khác, bộ xương ấy có danh tính nhờ vào mặt chiếc dây truyền vàng được chôn theo người. Thời gian sau có người tìm đến. Cuộc gặp gỡ giữa người chủ vườn mai với những vị khách lạ đã diễn ra. Nhờ đó mà chúng ta biết người nằm dưới gốc mai kia là một nữ thanh niên xung phong đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ một cung đường Trường Sơn.

Chuyện giản dị như vậy, nhưng nó đã làm người đọc xúc động bởi hiện thực cuộc sống. Ngày xưa, khi đất nước còn chiến tranh, có biết bao nhiêu con người đã tham gia chiến đấu một cách tự nguyện. Đánh giặc giống như một lẽ tự nhiên của con người Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu ấy sự hy sinh của bất cứ ai cũng rất tự nhiên theo đúng quy luật khắc nghiệt của chiến tranh. Cô gái hy sinh được chôn dưới gốc mai kia cũng chịu sự khắc nghiệt ấy. Sự hy sinh ấy còn cao hơn khi chiến tranh chấm dứt, bao nhiêu liệt sĩ đã được ghi công trạng, còn cô, vẫn chưa vì phải chịu đựng một sự thật hiển nhiên khác, đó là, đơn vị bị xóa sổ, không ai làm những thủ tục cần thiết ghi công trạng cho cô. Bản thân cô chịu đựng tới mấy lần hy sinh, hy sinh thân xác, hy sinh công trạng, và rất có thể còn bị bỏ quên trong rừng, nếu không có một người yêu cây kiểng, những đồng đội và người nhà của cô tìm đến.

Cuộc chiến đấu giữ nước của Việt Nam chúng ta là như vậy. Chúng ta đã làm rất nhiều việc vì những người hôm qua ngã xuống. Nhưng dù có làm bao nhiêu thì vẫn chưa đủ. Những người đã được đón về nghĩa trang liệt sĩ, những người đã được ghi nhận công trạng, những người đã đựợc vinh danh thành tích. Nhưng vẫn còn những người hôm nay còn nằm đâu đó trong Trường Sơn bạt ngàn cây xanh và nắng gió. Cám ơn người yêu cây kiểng, cảm ơn người như Quỳnh Mai, Tiểu Mai- những nhân vật trong truyện ngắn “ Mai Trường Sơn” của Trần Quang Lộc- đã làm những công việc thật ý nghĩa cho những người hy sinh trong chiến tranh. Mai trong rừng Trường Sơn dẫu không ai vặt lá lúc cuối năm nhưng nhất định vẫn sẽ trổ bông khi mùa xuân về. Nhưng Người hy sinh vì đất nước sẽ mãi mãi sống trong lòng Tổ Quốc Việt Nam. Chúng ta vinh danh họ bằng niềm tiếc thương vô hạn và nhớ đến họ mỗi khi đất nước vào xuân. Những ngừơi hy sinh như Tiểu Mai hẳn sẽ ấm lòng khi có bạn chiến đấu Quỳnh Mai, có chị em Xuân Mai, có người yêu cây kiểng chăm sóc phần mộ cho mình. Dẫu sao đó cũng là hành động làm ấm lòng những liệt sĩ của chúng ta../.

NĐT


Lời bình truyện ngắn Mai Trường Sơn của Trần Quang Lộc/15.5.2011
Nguyễn Thu Hiền

Đọc Mai Trường Sơn của Trần Quang Lộc ở trang đầu tiên cứ tưởng tác giả đang viết tản văn về hoa mai với những con chữ mượt mà, đầy cảm xúc. Câu chuyện bắt đầu có ngã rẽ khi nhân vật tôi đi vắng và cây mai bị héo rũ. Vì gắn bó với cây mai quý, nhân vật tôi quyết định đào gốc để đẽo gọt thành món đồ mỹ nghệ làm kỷ niệm. Thế rồi không ngờ lại thấy một bộ hài cốt dưới gốc mai. Nhờ chiếc dây chuyền, tên cô gái được phỏng đoán. Và thật bất ngờ, tên cô gái lại là Mai.
Bằng nghĩa cử của một con người, nhân vật tôi đã chu tất, lo liệu và hương khói cho ngôi mộ của người con gái ấy. Có những chi tiết không có trong truyện đã làm xúc động độc giả, ấy là khi đối diện với bộ hài cốt, không thấy nhân vật tôi lo sợ, chối bỏ, hãi hùng… như thường thấy trong thực tế. Thậm chí, “Hình như, có một sợi dây thiện cảm nào đó đang nối liền giữa tôi với người con gái đã khuất”. Rồi đến khi chu tất việc cải táng cũng không thấy nhân vật tôi so đo tính toán mình được gì, mất gì. Đó gần như là việc phải làm mà lương tâm thôi thúc, chứ không có tính toán vụ lợi. Đây là suy nghĩ đầy nhân ái, cao cả “Sau chiến tranh kẻ còn người mất, ai quan tâm đến một nấm mồ vô chủ?! Nơi cõi vĩnh hằng, người con gái vắn số chắc không còn buồn tủi vì đã có mồ yên mả đẹp, hương khói quanh năm. Nghĩ vậy nên lòng tôi rất thanh thản! ».
Cuối cùng, như một cái kết có hậu, dù chưa thật tròn trịa viên mãn, vì người hy sinh nằm dưới mộ chưa được phong liệt sĩ, nhưng cô gái đã tìm được người thân và đồng đội của mình sau bao nhiêu năm. Có lẽ đoạn cuối của tác phẩm sẽ khiến người đọc nhớ lâu bởi sự trớ trêu của nhân tình thế thái và tấm lòng của những con người với nhau. Hai người đàn bà - một là chị gái, một là đồng đội của người đã mất trở về sau chiến tranh thì sống cảnh đơn chiếc, không có một tổ ấm gia đình bình dị như tất cả những người đàn bà khác. Còn người đã mất – tìm lại được tên - Tiểu Mai cũng chưa được ghi nhận là liệt sĩ. Xuân Mai nói : « Thật lòng, tôi không bận tâm lắm về việc này. Nay tìm được hài cốt của em là tôi mãn nguyện”. Vậy đấy, mọi danh lợi giờ đây không phải là thứ quý giá với họ - với những người còn sống nữa. Chắc rằng, sau khi quyết định để lại Tiểu Mai nơi này và cứ 27 tết mọi người lại về đây để giỗ Tiểu Mai và dự hội mai xuân thì chẳng ai có ý định chứng thực cho người đã mất là liệt sĩ, mọi thứ dường như vẫn chẳng có gì thay đổi. Chỉ còn lại tấm gương dũng cảm hi sinh của người đã mất là còn mãi và sự thanh thản sẽ là nguồn an ủi, sẽ nhắc nhở với chúng ta: được sống đã là hạnh phúc, hãy biết nâng niu và trân trọng nó. Mọi bon chen xô bồ, mọi đau khổ rồi cũng kết thúc…Như thứ hoa mai của mùa xuân, cứ qua 3 mùa với vẻ thô mộc giản dị, chả ai để ý tới cho đến xuân lại âm thầm kết nụ nở hoa làm mọi người nhận ra sự luân chuyển của thời gian, và ngỡ ngàng trong sắc vàng rực rỡ. Chợt câu thơ: Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa của Nguyễn Trọng Tạo vang lên, nhà thơ viết vậy không chỉ để nói về hoa mà nói về tất cả những gì đã và đang tồn tại như sự bất di bất dịch của mọi giá trị.
Truyện ngắn Mai Trường Sơn dù không có nhiều kịch tính, nhưng Trần Quang Lộc đã để lại dư âm về tấm lòng nhân hậu, tốt đẹp của mỗi con người, đây là điều ít thấy trong văn học hiện nay.

Nguyễn Thu Hiền
Báo điện tử Tổ Quốc
Số 20 ngõ 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét