Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Truyện ngắn Tiền


TRẦN QUANG LỘC

TIỀN
                                   Truyện ngắn
         
Điều may mắn bất ngờ ập đến với gã, tưởng như đang lạc vào vườn cổ tích có những bà tiên, ông bụt hiền lành, tốt bụng luôn mang đến cho những kẻ khốn cùng nhiều điều may mắn, tốt đẹp.
          Năm tỉ bạc! Khoản tiền khổng lồ mà trước đây dẫu có nằm mơ gã cũng không thể nào thấy được hiện đang nằm gọn trong tay gã, đang chờ gã sai khiến.
          Nghe tin gã trúng thưởng lớn, bà con họ hàng làng xóm lũ lượt kéo đến mừng gã đổi đời. Nhưng những lời chúc tụng nồng nhiệt nhất, tốt đẹp nhất được đáp lại bằng mấy tách trà thô, vài viên kẹo dừa để lâu ngày dai nhách, nhai muốn trẹo quai hàm, với vài tiếng cảm ơn cộc lốc, sáo rỗng, nhạt phèo như nước ốc. Cách xử sự lạ lùng, hờ hững của con người vừa mới giàu xổi, nét mặt còn hằn sâu dấu ấn của một thời khốn khó, cực nhọc đã gây sự bất bình cho bà con. Bên họ tộc chì chiết, rằng cái quân mất gốc, cơm họ hàng còn dính kẽ răng, vừa mới trúng số đã ngoảnh mặt, quay lưng. Họ dọa sẽ từ, sẽ không bao giờ thèm đặt chân đến cổng ngõ nhà gã. Cánh láng giềng cũng lên án gã gay gắt. Họ bảo bà con xa không bằng xóm làng gần, nghèo khó có nhau. Mới ngày nào nhà nó có sự cố, nó chỉ ho lên một tiếng là bà con đủ mặt. Vậy mà từ ngày có của, mặt nó cứ lạnh tanh như được tạc ra từ băng tảng!

          Riêng gã, trước mắt, gã tập trung tất cả vào việc cải tạo lại nơi ăn chốn ở, củng cố lại vị thế để mở mày mở mặt cùng thiên hạ. Chọn ngày hoàng đạo, gã thuê người đến triệt hạ căn nhà cũ kỹ, nhếch nhác đã qua mấy đời đang tọa lạc giữa khu vườn rộng xum xuê cây lá và thay vào đó là căn nhà ba mê, kiểu dáng mái chớp đỏ, mặt tiền lát toàn gạch men Ý. Gã hả hê thích thú nhìn những nhát búa tạ giáng thình thịch vào hiện thân của sự nghèo khó, cực nhọc đã bám riết mấy đời nhà gã…
          Chẳng bao lâu, ngôi nhà ba tầng hồng hào ngất ngưởng, nội thất bài trí toàn đồ dùng ngoại nhập đắt tiền xuất hiện giữa cái xóm lao động nghèo như một kẻ thống trị. Thế là một tên nghèo mạt hạng, lâu nay sống bám vào rổ chanh, hành, ớt, tỏi, rau của người vợ hiền đảm đang bỗng chốc trở thành tỷ phú nhờ vào tờ vé số điện toán. Gã sướng đến rên mình khi nghĩ rằng, rồi đây thiên hạ sẽ nhìn gã đến trật ót, thậm chí không ít kẻ đến nhà gã khúm núm, xum xoe, cậy nhờ giúp đỡ. Nhưng cái ý tưởng hợm hĩnh của gã tân trọc phú đi ngược với truyền thống trọng nghĩa khinh tài của người dân trên mảnh đất đã trải qua nhiều cuộc biển dâu, bao thăng trầm của thời đại, kết cục chẳng mấy ai thèm nhìn ngôi nhà mới của gã đến trật ót, hoặc đặt chân đến nhà gã để cậy nhờ. Chỉ có số ít người rất dị ứng với bản mặt ngạo mạn, ngông nghênh của gã nên thi thoảng đi ngang qua nhà gã, họ dừng lại ngay trước cổng, trật quần ra tè….lại còn chỏ mồm vào căn bổn mạng lên tiếng chửi đổng bằng những câu thô lỗ, cộc cằn nhưng minh triết: Mới hôm nào còn đi xin hàng xóm từng đĩa nước mắm. Vừa có chút đỉnh tưởng giàu sinh ngông nghênh, lấc cấc. Nhà nó phát hỏa đếch có ma nào động tay động chân vào.
          Mặc kệ, ghen ăn ghét ở là tật người đời, hơi đâu bận tâm, hơi đâu trách cứ. Gã tự giam mình trong cái tháp ngà, cách ly với mọi sinh hoạt đời thường, chú tâm vào phương pháp làm giàu bằng vốn liếng còn lại, phấn đấu trở thành đại gia tỉnh lẻ. Gã còn mơ gã làm chúa đảo nữa đấy! Tiền! Tiền sẽ biến đổi số phận con người, sẽ làm đảo lộn mọi giá trị! Đó là triết lý cơ bản về đồng tiền gã nghe lỏm được từ cửa miệng đầy men rượu của dân buôn lão luyện trong các cuộc ăn chơi bạt mạng, bất kể trời trăng. Làm đảo lộn mọi giá trị? Gã chưa tin. Nhưng thay đổi số phận con người, gã không thể phủ nhận. Không tin? Hãy đợi đấy!
          Nói đến gã tưởng cũng nên điểm sơ vài nét đặc trưng về vợ gã. Phải công nhận rằng, thị rất xinh, rất hấp dẫn, rất nhạy cảm, rất thông minh. Nói tóm lại, thị có đủ tố chất để trở thành nhà doanh nghiệp. Thời ngăn sông cấm chợ, thị cũng là con buôn đường dài có hạng. Nhưng trong chuyến đi định mệnh, thị bị đội kiểm soát kinh tế hốt sạch hàng hóa và bị bốn tháng tù giam vì tội buôn hàng quốc cấm. Thị sạt nghiệp, cả gia đình thị liêu xiêu, lảo đảo. Ra tù, thị chấp nhận lối sống cò con. Việc mua chợ dưới bán chợ trên tuy thu nhập chỉ dừng lại ở mức đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày trong gia đình, nhưng trong đầu óc thị thấy thanh thản, thoải mái, gia đình hạnh phúc. Nghe ai nhắc đến đi buôn hàng chuyến, thị ớn đến tận xương sống. Số phận run rủi, đời gã nếu không có thị chắc húp cháo cám trừ bữa. Với bản tính cầu toàn, ăn chắc, thị đề nghị gã đem số tiền còn lại gửi vào ngân hàng lấy lãi cải thiện đời sống. Gã nhìn vợ đến nứt mắt, vỗ đùi, quát:
          - Ngu! Quen với lối sống cò con, gà què ăn quẩn! Thời buổi này người ta đổ xô đến ngân hàng tranh vay vốn về phát triển kinh tế, mình lại nhét vào lấy lãi tượng trưng. Chỉ có hóa rồ! Gã bỗng dịu giọng giảng dụ - Thời buổi này phải biết cách bắt đồng tiền sinh sôi nảy nở theo ý muốn của mình em à. Sực nhớ ra, gã lại vỗ đùi đánh “đét”, hỏi - Khi nay em có gặp cô Lài không? Cô ấy trông thế mà giỏi. Nhờ buôn chuyến mà nên cửa nên nhà, xây dựng cơ nghiệp đồ sộ.
          Nghe nhắc đến buôn chuyến, vợ gã vội xua tay:
          - Thôi thôi, em sợ đi buôn đường dài lắm rồi!.
          Gã cắt lời:
          - Thời bao cấp khác, thời kinh tế thị trường nó khác. Thời trước ngăn sông cấm chợ nên việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều rắc rối lắm, nhiêu khê lắm! Cơ chế bây giờ hết sức thông thoáng, cởi mở.
          Vợ gã vẫn lắc đầu quầy quậy:
          - Anh chưa biết chứ đi buôn hàng chuyến nó phức tạp lắm! Thời nào cũng thế!
          Gã tỏ vẻ bực tức:
          - Phức tạp là phức tạp thế nào? Người ta đi được mình đi được. Em cố theo cô Lài một vài chuyến xem sao. Quanh quẩn mãi chợ trời, chợ xổm với mấy lọn rau, vài túm ớt, sọt cà thì biết bao giờ mới mở mày mở mặt cùng thiên hạ?
          Lài là bạn thân của vợ gã hồi còn học phổ thông. Lài đang là con buôn chuyên nghiệp, giàu sụ trên phố huyện. Trước đây, Lài thường đến rủ vợ gã hùn vốn buôn chung, nhưng hồi đó gã nghèo kiết xác. Bây giờ có vốn lớn trong tay, gã cố động viên vợ đi vài chuyến thử thời vận. Nghe nói dạo này đi buôn hàng Tàu trúng mánh lắm. Gã độc tài, quân phiệt! Tuy ngán ngẫm việc đi buôn đường dài, nhưng để gia đình hoà thuận, thị cũng liều…nhắm mắt đưa chân…
          Sau vài chuyến lấy hàng từ thành phố Hồ Chí Minh về bỏ sỉ cho mấy con buôn, thị mới vỡ lẽ. Hóa ra thời bây giờ đi buôn đường dài dễ dàng thoải mái hơn nhiều so với thời bao cấp. Khôn khéo, linh hoạt, uyển chuyển một chút là hàng về đúng địa chỉ, một vốn bốn lời. Chưa gần một năm trở lại nghề cũ, thị đã có vàng đeo đầy tay, cổ mang một sợi dây chuyền vàng to đùng như sợi xích chó.
          Thấy vợ ăn nên làm ra, gã vừa mừng vừa lo. Gã bảo vợ để bớt vàng vòng lại nhà, độ này bọn cướp cạn nổi lên như rươi, không khéo lại tự chuốt họa vào thân. Vợ gã rúng rảy cho gã lạc hậu, chẳng hiểu tí gì việc làm ăn, buôn bán trong thời buổi kinh tế thị trường khoe của cũng là tạo niềm tin với đối tác. Gã đuối lý.
           Rồi vợ gã thoạt đi thoạt về như con thoi. Việc buôn bán của thị cứ phất lên như diều gặp gió.
            Khi viêc buôn bán đã quen nước quen cái, có bạn hàng bạn họ, những chuyến đi của thị ngày càng dài hơi hơn. Có chuyến đến hai mươi ngày, thậm chí cả tháng mới về nhà, nghỉ vài hôm lại tiếp tục ra đi. Lần nào cũng vậy, trước lúc ra đi, thị không quên đặt một xấp bạc dày cộm lên bàn, bảo đó là khoản tiền tiêu vặt hàng ngày của bố con nó. Bố con gã sống nhàn nhã như các đại gia trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi hiện đại. Vợ gã tranh thủ chạy đường dài xây dựng cơ nghiệp.
              Nghe cải lương, đọc sách kích dục, xem video, chơi trò chơi điện tử, tối nằm ôm điện thoại nói chuyện với vợ mãi rồi cũng chán. Gã bỗng nảy ra ý định gia nhập vào một hội hè nào đó để tiếp cận với giới thượng lưu trong xã hội. Mục tiêu đầu tiên gã hướng tới là hội tơ nít trên phố huyện, hội của giới quý tộc thời hiện đại. Đa phần thành viên của hội là những tay trưởng giả học làm sang, trọc phú khoe mẽ, cánh lao động bình dân thích chơi trội cũng có. Hồi còn ở dưới phố, sáng sáng gã trông thấy cặp vợ chồng mặc bộ thể thao trắng muốt, lưng đeo vợt, chở nhau trên chiếc Rim Thái bóng lộn chạy ngang qua khu nhà trọ của gã. Trông họ sang như Tây. Sau này gã mới biết, đó là vợ chồng tay bán thịt chó, giỏi chế biến món mắm tôm nổi tiếng cả vùng. Nhưng suy đi tính lại, vào hội tơ nít không ổn tí nào. Tạng người nhỏ thó của gã dễ bị người ta nhầm tưởng là trẻ nhặt banh. Đó là chưa nói đến sự cố có thể xảy ra trên sân banh bởi chứng hen suyễn kinh niên của gã. Hội thơ quy tụ đủ mọi thành phần trong xã hội. Theo gã nghĩ: “Đến với thơ là đến với trí tuệ; sáng tác được năm bảy bài thơ đăng báo là đã thành nhà thơ rồi. Thời buổi bây giờ in thơ cũng dễ dàng. Chỉ cần chiêu đãi một tay lính gác nào đó trong tòa soạn vài cốc bia, đĩa ốc luộc chẳng hạn là sẽ có thơ in trên trang báo, đếch cần phải thông qua ban biên tập biên dượt gì cho mất thì giờ. Xuất bản thơ cũng nhanh chóng dễ dãi tỉ như lấy đồ trong chính túi áo mình. Có tiền là in thơ mệt nghỉ, miễn là đừng viết sai chính tả, nội dung đừng vi phạm chủ trương chính sách, việc hay dở đếch có tiêu chí nào phân định rạch ròi. Cứ  bám vào cái phao “để cho thời gian thẩm định” mà tha hồ sáng tác, tha hồ in ấn, tha hồ cao đàm khoát luận giữa chốn “trà dư tửu hậu”.
***
          Rồi sự giàu sang và cả giấc mộng trở thành đại gia tỉnh lẻ của gã bắt đầu sụp đổ tanh bành vào một ngày…Đó là ngày hạnh phúc nhất và cũng là ngày bất hạnh nhất của đời gã. Hôm đó, Giám đốc nhà in gọi điện mời gã xuống nhìn mặt đứa con tinh thần đầu lòng của gã vừa mới in xong. Gã hồ hởi phóng xe đến thành phố vừa đúng nửa buổi sáng. Lúc đi ngang qua một ngã ba, hắn bỗng giật bắn người khi bắt gặp vợ gã ngồi ôm riết tấm lưng to bè của tên đầu trọc, râu cá chốt đang điều khiển chiếc xe Attila mới cứng chạy ngược chiều. Toàn thân gã run lên lẩy bẩy, tai ù, mặt tím tái!. Gã luống cuống cho xe quặt lại đuổi theo con đàn bà phản bội. Gã đầu trọc, râu ngạnh trê vẫn thản nhiên cho xe rẽ trái rồi chạy thẳng vào một khách sạn sang trọng, lộng lẫy. Gã toan qua đường, nhưng một chiếc xe tải vừa nhấn còi, vừa lù lù từ phía sau làm gã phải chậm mất mấy phút. Cho xe vào sân khách sạn, gã lập cập dựng xe vào một góc khuất rồi phóng lẹ lên phòng lễ tân. Một nhân viên khách sạn tướng tá bặm trợn như thần giữ cửa cản lại, sừng sộ:
          - Này, biết đang ở đâu không?
          Gã cố lấy lại bình tĩnh, giải thích:
          - À, xin lỗi! Tôi muốn gặp một anh bạn đầu trọc có bộ ria cá chốt như thế này này (gã chỉ vào bộ ria của gã).
          - Hình như ông ta đang ở phòng 307, 308 gì đó. Đây là việc của cô lễ tân nên tôi không rõ lắm!
          Gã không kịp để lại lời cảm ơn, vội vọt thẳng lên lầu 1 rồi lầu 2… Cuối cùng gã đứng lớ ngớ trước dãy phòng 307, 308, 309 một lúc rồi lấy điện thoại di động ra bấm số… Giọng nói dịu dàng quen thuộc của vợ gã vang lên trong máy:
          - A lô, anh đấy hả? Hiện giờ em đang ở thị trấn Lạng Sơn. Ngày mốt em mới chuyển hàng về.
          Gã cố nén cơn tức giận đang dâng lên tới tận cổ:
          - Nói thật to lên. Nghe không rõ!
          Từ phòng 308, vang lên giọng vợ gã:
          - A lô, hiện giờ em vẫn đang ở Lạng Sơn. Anh vẫn khỏe chứ?
          Gã quát to trong máy:
          - Khỏe cái con mẹ mày. Hóa ra bấy lâu nay mày lừa ông để đi với trai. Gã nhét di động vào túi, dồn hết sự tức giận vào nắm tay đấm mạnh vào cánh cửa phòng 308 thình thình:
          - Mở cửa ngay! Mở cửa!
          Giọng đàn ông từ bên trong quát ra:
- Ai đó?!
Đáp lại câu hỏi cộc lốc, trịch thượng là những cú đấm mạnh hơn, quyết liệt hơn. Có tiếng dép khua sàn sạt rồi cánh cửa phòng bật mở. Tên đầu trọc xuất hiện, ngực đầy lông lá, nhìn gã đến nứt mắt, nói giọng anh chị:
- Hết chỗ quậy rồi hả? Cút ngay!
Tên đầu trọc phất mạnh tay xua đuổi. Gã lùi lại mấy bước rồi đứng nhìn tình địch bằng tia mắt rực lửa như muốn thiêu cháy kẻ thù ra tro bụi.
- Thằng này láo, dám cương lại ông ngoại mày đấy hử?
Nói chưa hết câu, gã đầu trọc sấn tới giáng vào mặt gã một cái tác nảy đom đóm, thuận chân bồi thêm một đạp nữa, gã bật ra xa đứng loạng choạng, máu mũi rỉ ra loang xuống môi mằn mặn. Gã đưa ống tay áo lên lau vội. Ngay lúc đó, vợ gã đứng thấp thoáng sau cánh cửa phòng với chiếc váy ngủ trong như thủy tinh. Giọng thị nhẹ mỏng nhưng gã vẫn nghe đủ:
           - Lão bị suyễn nặng, đừng mạnh tay mang họa đấy!
          Khốn nạn, đồ đĩ rạc. Gã muốn xông vào phanh thây xé thịt con đàn bà phản bội cho hả lòng ghen tức. Nhưng lù lù trước mặt gã là một tay đầu bò đầu bướu có thân hình lực lưỡng như một võ sĩ quyền Anh hạng nặng. Hắn chỉ nắm cổ gã nhấc lên quật xuống một nhát là gã chết bẹp như con mực nướng!. Gã đứng nhìn đối phương bằng đôi mắt rực lửa căm thù. Rồi như một con đực đang đứng trước địch thủ dũng mãnh hơn mình gấp bội, gã ôm hận lùi dần, lùi dần, rồi bất chợt, gã xoay người phóng nhanh ra khỏi khách sạn như kẻ đang bị quỷ ám!.
          Về đến nhà, bao nhiêu nỗi hờn ghen uất ức bị dồn nén đến cực điểm gã trút cả lên những đồ dùng dắt tiền như bộ đầu máy đa hệ, dàn đầu câm âm ly, dàn vi tính hiện đại, bộ bàn ghế ngoại nhập, mấy chiếc lọ sứ Giang Tây vừa mới mua trong kỳ hội chợ hàng chất lượng cao, cả những trang bản thảo thơ, thơ in báo cũng cùng chung số phận. Gã điên cuồng đập phá tan tành những thứ mà mới vừa đây thôi, gã coi như vật gia bảo thiêng liêng ông bà truyền lại. Đến lúc không còn gì để hủy hoại, để tàn phá, căn phòng ngổn ngang chồng chất những mảnh vỡ như vừa mới trải qua một trận động đất kinh hoàng, gã mới nằm bẹp xuống chiếc ghế xa lông rách bươm khóc nức nở, khóc tức tưởi như đứa trẻ lạc mẹ. Đang ơi hời trong nỗi cô đơn tuyệt vọng, bất chợt, gã ngồi bật dậy như một chiếc lò xo bị nén chặt bởi giọng nói ngọng nghịu của chú bé hàng xóm từ ngoài cổng vọng vào:
          - Chú Cằn ơi! Xằng Cọt bị…tai nạn xe máy!
          Trời! Thằng Cọt, đứa con trai duy nhất của gã đang học lớp bảy bị tai nạn mô tô! Gã đứng vụt dậy chạy thục mạng ra cổng ngõ nắm chặt cánh tay thằng bé hỏi dồn dập như người đang mê sảng:
          - Sao! Ai bị tai nạn? Thằng Cọt hả? Tai nạn ở đâu? Bây giờ ra sao rồi? Hả?
          Thằng bé hãi quá càng nói lắp:
          - Xằng… xằng Cọt chạy… chạy xe âm …âm vô dô cột điện bị gãy… chân. Người ta ưa nó dô nhà… thương rồi. Còn chiếc xe… (nó gập cánh tay lại tỏ dấu chiếc xe bị gãy đôi).
          Lúc này gã mới nhớ ra, hồi sáng, thằng Cọt có hỏi mượn chiếc xe Future mác Nhật vừa mới rô đa xong đi học một bữa. Thấy thằng con trai cưng lâu nay tập lái xe đã biết quẹo trái rẽ phải thành thạo rồi nên gã yên tâm gật đầu. Nào ngờ! Không cần phải đóng cửa khóa cổng cẩn thận như mỗi khi, gã chạy ù ra đường, miệng lảm nhảm như người mất trí:
          - Cọt ơi, trời cao đất dày ơi, bố mày hại mày rồi!
          Thằng bé hàng xóm vội phóng xe đạp rượt theo:
          - Chú Cằn ơi, ể cháu chở chú i cho mau.
          Gã luống cuống ngồi lên bọt ba ga, ôm cứng lấy thằng bé. Nó ngoáy đít đạp thẳng.
          Đến bệnh viện huyện, hai chú cháu chạy nháo nhác tìm chỗ thằng Cọt. Cuối cùng rồi gã cũng thấy con đang nằm bất động trong phòng cấp cứu. Không cần biết bác sĩ trực có cho phép hay không, gã chạy ào vào ôm con khóc bù lu:
          - Trời, Cọt ơi. Có sao không con?
          Bác sĩ trực có gương mặt khó xác định bản chất đẩy gã ra ngoài, gắt:
          - Ra ngay, bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê. Người nhà cũng không được vào.
          Như một kẻ vô hồn, vô cảm, gã lầm lũi ra ngồi trên chiếc ghế dài kê đối diện phòng cấp cứu, mắt mở thao láo nhìn vào cánh cửa đóng chặt, cũng có thể không nhìn vào đâu. Một lúc lâu sau, cửa phòng bật mở, cô y tá trực xuất hiện. Gã đứng bật dậy, hỏi:
          - Thưa bác sĩ, tình…
          Cô y tá cắt lời;
          - Phải cưa chân!
          - Phải cưa! Gã lặp lại bản án nghiệt ngã bằng giọng thản thốt, đau đớn. Cô y tá vội trấn an:
          - Chỉ cưa một chân thôi.
          - Trời! gã nài nỉ - còn cách nào nữa không? Tôi chỉ có một mình nó. Bác sĩ cố giúp em?
          Cô y tá nói lạnh lùng:
          - Hết cách!
***
          Từ ngày gia đình gặp đại họa, gã ở luôn trong bệnh viện vừa để chăm sóc con vừa khỏi phải về lại căn nhà trống vắng, lạnh lẽo và ngổn ngang mảnh vỡ. Nhiều đêm ngồi một mình trong khu công viên bệnh viện, gã tĩnh tâm nhận ra rằng, chính gã đã phá tan hạnh phúc gia đình, làm tiêu tan gia sản. Bởi ham làm giàu nên xúi giục người vợ hiền đảm đang trở lại con đường buôn bán hàng chuyến đầy cạm bẫy giăng mắc; nuông chiều dễ dãi nên dẫn đến thằng con bị tai nạn thảm khốc; keo kiệt, bủn xỉn với họ hàng làng xóm đến nỗi họ phải xa lánh. Hiểu ra thì đã muộn! Gã chới với, chao đảo trong nỗi cô đơn tuyệt vọng. Bất chợt gã nảy ra ý định đi tu. Phải, chỉ có đi tu mới giúp gã dịu bớt nỗi đau mất mát quá lớn trong đời gã. Nhưng khi nhớ đến thằng Cọt đang nằm trong bệnh viện với một chân bị cụt, gã lại buông tiếng thở dài! Nợ đời còn nặng quá! Gã không thể bỏ đứa con tật nguyền sống bơ vơ để tìm sự bằng yên thanh thản cho riêng mình.
          Một hôm gã phải về nhà lấy thêm đồ dùng cá nhân cho cha con gã. Đang loay hoay nhồi nhét mấy thứ cần thiết vào túi xách, bỗng có tiếng cổng sắt xịch mở, một người đàn bà ăn mặc chải chuốt, nước hoa thơm phức từ ngoài ngõ xăng xái đi vào. Tưởng ai, hóa ra con mẹ bán rau chợ trời bị đồng tiền thay đổi bản chất. Lảng vảng ngoài cổng ngõ còn có tên đầu trọc mang kính đen với chiếc xe bóng lộn. Thị dừng lại trước mặt gã thản nhiên mở chiếc xắc tay bằng da ca sấu lấy tờ đơn ly hôn đưa cho gã. Thị định mở lời. Gã vội khoát tay cắt ngang:
          - Đồ dâm đãng. Đồng tiền đã ám vào con người mày rồi. Đời mày chẳng khá chó gì đâu con ạ! Gã rút cây bút ra ký “rẹt” vào tờ giấy rồi ném trả vào mặt thị - Đây, cút mẹ mày đi cho khuất mắt ông. Đồ phản trắc!
          Thị thản nhiên cho tờ giấy trở lại chiếc xắc tay, lặng lẽ ra khỏi cổng.
          Thị đi rồi gã lại thấy bùi ngùi xót xa. Xét cho cùng, lỗi đâu phải do vợ! Dẫu sao thì nàng cũng chỉ là người đàn bà yếu đuối, nhẹ dạ, bị gã đẩy vào môi trường đầy cạm bẫy vì mục đích làm giàu.
          Theo quyết định của Tòa án, căn nhà phải cưa đôi. Bên nào muốn làm chủ hợp pháp phải thối tiền cho bên kia. Gã sạch túi, trắng tay nên đành phải nhận một khoảng tiền chỉ bằng nửa giá trị ngôi vườn ông bà mấy đời truyền lại rồi lặng lẽ rời khỏi nơi mình đã sinh ra và lớn lên giữa buổi chiều nhập nhòe sương khói. Thế là gã mất sạch rồi! Mất vợ, con mất một phần cơ thể, mất tình cảm họ hàng, làng xóm. Mảnh vườn ông bà truyền lại cũng không còn! Quả thật người đời nói không sai, tiền vào tay kẻ dốt nát sẽ trở thành đại họa. Lúc này gã mới thấy hối tiếc cuộc sống thanh bần của một thời chưa xa.
          Ra khỏi nhà với túi bạc ôm khư khư trước ngực, gã như một người mộng du. Cứ đi, đi lầm lũi mà chẳng cần biết đi đâu. Mãi đến lúc chân gã dẫm phải một vũng nước đọng lạnh buốt chắn ngang lối đi gã mới giật mình bừng tỉnh và nhận ra mình đang đứng trước chốn đồng không mông quạnh, lòe nhòe bóng đêm. Gã quay lại định đi về hướng cũ thì một bóng đen cao to xuất hiện đột ngột chắn ngang trước mặt gã. Một giọng lạnh lẽo, ma quái:
          - Để túi bạc xuống nếu mày chưa muốn chết!
          Nghe thanh âm, gã nhận ra kẻ đứng trước mặt mình chính là tên đầu trọc. Gã ôm chặt túi tiền vào ngực. Đây là phần của thằng Cọt, phải giữ bằng mọi giá. Tên đầu trọc rút từ thắt lưng ra một con dao thái hươ hươ trước mặt:
          - Mày ngu bỏ mẹ, đếch biết sử dụng đồng tiền để nó quật mày ra bã. Tao tình nguyện rước họa cho.
          Gã riết túi bạc vào ngực:
          - Không, phần này dành cho thằng con tao nó đang nằm viện.
          Gã đầu trọc cười khằng khặc:
          - Mày cứ yên tâm đi. Tao có quen với vài tay bác sĩ trên bệnh viện. Tao chỉ cần ho một tiếng là chúng nó vãi đái ra quần. Cần gì…
          Gã giận giữ quát:
          - Câm mồm! Đồ kẻ cướp!
          Gã đầu trọc lại cười khằng khặc:
          - Đúng, tao là thằng ăn cướp, nhưng chỉ cướp vợ của những thằng chồng mất khả năng giữ vợ, cướp tài sản của những tay trọc phú thu nhập bất chính, đếch biết sử dụng đồng tiền cho ra hồn. Tỉ như mày chẳng hạn. Không có tao, con vợ mày sẽ tanh bành té bẹ bởi tay hàng trăm thằng đàn ông khác, biết đâu nó còn nhiễm HIV đem về truyền lại cho mày?! Tao sẽ vét nhẵn đồng tiền cuối cùng của mày cũng có nghĩa là cứu mày thoát khỏi nhát búa của một tên côn đồ nào đó không nhiều lời như tao. Cướp có nhiều đẳng cấp. Tao thuộc loại cướp có hậu đấy.
          - Đồ kẻ cướp, quân mạt hạng, lý sự cùn!
          Rồi như được kinh nghiệm sống mách bảo, gã vội xoay người co giò lao vút trong bóng tối lòe nhòe. Tên đầu trọc cũng bám theo bén gót. Cuộc rượt đuổi bắt đầu diễn ra thật rùng rợn, thật khủng khiếp như một cảnh trong phim xã hội đen.
          - Ném túi bạc xuống rồi cứ thế dông thẳng. Tao không phải đứa giết người diệt khẩu. Nếu ngu ngốc thì con dao thái này sẽ giúp tao sớm kết thúc trò chơi trẻ con này.
          Mặc cho tên hung thần quát tháo ầm ĩ phía sau, gã dồn hết sức lực chạy thục mạng, chân gã như lướt nhẹ trên mặt đất. càng chạy con đường càng mở ra, cảnh vật càng hoang vắng âm u, sự sống không còn chỗ bấu víu. Gã cố chạy thêm một đoạn nữa thì mồ hôi bắt đầu vã ra như tắm, hơi thở đứt quãng, đôi chân cũng bắt đầu rệu rão, tên hung thần cũng bám sát sau lưng. Trên bước đường cùng, gã bật lên tiếng kêu thất thanh:
          - Cướp! Có cướp! Cứu!
          Thanh âm kêu cứu của gã như không đủ sức bật ra khỏi cổ họng. Giọng tên cướp sắc lạnh như mũi dao thái kề sát bên tai:
          - Thằng này khó mà giáo dục. Như thế là hết đời mày rồi con ạ.
          Lúc khốn cùng, gã định bỏ của chạy lấy người, nhưng nghĩ đến thằng Cọt đang nằm viện, gã càng ôm chặt túi bạc vào ngực, dồn hết lực vào đôi chân tiếp tục cuộc chạy đua hoàn toàn không cân sức. Nhưng tình cha con dẫu có sức mạnh đến đâu cũng chỉ giúp gã vượt thêm một quãng ngắn. Đang lúc sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc thì chân gã lại vấp phải một vật gì đó ngang qua đường, toàn thân gã ngã sấp về phía trước, mồ hôi ướt đẫm, hơi thở khò khè, miệng gã vẫn phát ra tiếng kêu cứu bằng thứ âm thanh méo mó đến kỳ dị. Thế là sự sống sắp kết thúc. Một thằng đàn ông dốt nát không nhận ra mặt trái của đồng tiền để nó quật cho tan nát, cho tả tơi là đáng chết lắm. Nhưng nghĩ đến thằng Cọt, gã lập tức xoay người sang tư thế nằm ngửa rồi dồn hết tàn lực vào đôi chân ra sức quẫy đạp…Như một chiếc xe tăng xả hết tốc lực, tên cướp từ phía sau lao thẳng vào gã, gã co giò đạp mấy nhát cầu may, bỗng một tiếng “oái” vang lên vọng mãi vào cõi vô cùng. Tiếng kêu thản thốt, đau đớn đó đã lôi tuột gã ra khỏi cơn ác mộng hãi hùng. Gã ngồi bật dậy thở dốc, mồ hôi vã ra như tắm, tay vẫn ôm khư khư túi bạc trước ngực. Đến khi nhận ra, túi bạc đó chỉ là chiếc gối. gã vội ném ra xa. Cũng ngay lúc đó, từ dưới sàn nhà, vợ gã lồm cồm bò dậy, cất giọng dấm dẳng:
          - Khiếp! Uống cho cố vào rồi đêm nào cũng mê sảng la ó, quẫy đạp lung tung chẳng cho ai ngủ.
          Như là chuyện thường ngày không cần phải bận tâm, vợ gã thản nhiên leo lên giường ngủ tiếp. Thật tỉnh hẳn, gã khẽ khàng bước xuống giường đi lại chỗ thằng Cọt nằm. Gã thở phào nhẹ nhõm thấy thằng bé vẫn lành lặn đang trong lúc ngủ say, trên môi còn đọng lại nụ cười hồn nhiên trong trẻo. Gã rón rén đi lại chỗ móc áo lục túi lấy ra tờ vé số điện toán mới mua hồi sáng trong quán cà phê vườn, thuận tay lấy hộp quẹt ga đang nằm trên bàn, bật lửa. Tấm vé số chưa công bố kết quả cháy bùng, trong chốc lát trở thành nhúm tràn to.
          Như người vừa trút xong gánh nặng, gã khe khẽ leo lên giường nằm xuống rồi vòng tay riết vợ vào lòng đưa thẳng vào giấc mơ. Thi thoảng gã lại bật lên một tràng cười khoái trá.
                                                                             T.Q.L

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét