Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

TRẠI SÁNG TÁC VHNT  BÌNH ĐỊNH
NĂM 2012 TẠI ĐÀ LẠT.
                                                                                          Dạ Thảo

                         
         Nhà thơ Vũ Dậu đọc thơ trong chương trình giao lưu                                

          Được sự nhất trí của Khu hỗ trợ sáng tác và Ban Giám đốc Nhà sáng tác Đà Lạt, năm 2012, Hội VHNT Bình Định mở trại Sáng tác tại thành phố Đà lạt dành cho 15 văn nghệ sĩ trong thời gian 10 ngày (từ ngày 19 đến 29/5).
          Đây là thời gian giúp văn nghệ sĩ bức khỏi những ràng buộc của cuộc sống đời thường để tập trung trí tuệ đầu tư cho sáng tác mới, nâng cao, chỉnh sửa những sáng tác đang viết dở dang, đồng thời là dịp giúp văn nghệ sĩ Bình Định tích luỹ thêm vốn hiểu biết về con người Đà Lạt hiếu khách, về đất trời Đà Lạt thơ mộng để làm hành trang cho sự nghiệp sáng tác sau này. Với tinh thần trách nhiệm kết hợp với lòng say mê sáng tạo, mỗi văn nghệ sĩ tự tìm cảm xúc để hoàn thành sáng tác mới của mình
Sau nhiều ngày lội khắp mọi nẻo đường Đà Lạt, có ngày phải bỏ bữa cơm trưa để tập trung vào việc săn ảnh, 2 nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt, Phạm Văn Chai đã có trên vài chục bức ảnh nghệ thuật. Trước ngày kết thúc trại, qua quá trình sàn lọc, chọn lưa, nghệ sĩ Đào Tiến Đạt đã gửi ban tổ chức 8 tác phẩm tâm đắc nhất của anh: Đợi =/2, Đợi =/3, Nâng niu, Ngày hè bản xa, Hồi tưởng, Tâm tư, Trên đỉnh lang biang, Công việc thường ngày. Nghệ sĩ Phạm Văn Chai gửi 8 tác phẩm: Đêm Đà Lạt, Ra đồi chè, Công trường chè, niềm vui, Sau giờ làm việc, Mỗi gia đình, Thung lũng Đà Lạt, Đi học về, Đường vắng. 16 sáng tác mới tuy qua những góc nhìn khác nhau, cách thể hiện khác nhau nhưng cùng khắc hoạ cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và các mặt hoạt động thường ngày của nhân dân trên một thành phố du lịch nổi tiếng nhất nước.
Cũng bị cuốn hút bởi cảnh quang thiên nhiên kỳ vĩ của đất trời và con người Đà Lạt, Hoạ sĩ Trần Đình Tấn và hoạ sĩ Trần Tuấn mang giá vẽ dong ruổi trên khắp nẻo đường Đà Lạt bằng chiếc Honda của người bạn đang sống và công tác tại thành phố sương mù. Sau 8 ngày miệt mài trong đam mê tìm tòi, khám phá và sáng tạo, Hoạ sĩ Trần Đình Tấn, hoạ sĩ Trần Tuấn  gửi Ban tổ chức 8 sáng tác phẩm phản ánh cảnh quan thiên nhiên Đà Lạt bằng những đường nét khoẻ khoắn tài hoa giàu biểu cảm với những gam màu thật ấn tượng. 04 tác phẩm của Trần Đình Tấn: Kí hoạ ga Đà lạt, Bên Hồ Xuân Hương, Biệt thự cổ Đà Lạt, Phong cảnh thác Dantana. 04 tác phẩm của Trần Tuấn: Khảo hoạ phong cảnh Hồ Xuân Hương, Khảo hoạ phong cảnh ga Đà Lạt, Khảo hoạ phong cảnh thac Dantanla, Khảo hoạ phong cảnh Đà Lạt.
         Với những dòng cảm xúc đã được ấp ủ từ lâu, nhân cuộc dự trại này, nhạc sĩ Nguyễn Văn xứng đã hoàn chỉnh 4 ca khúc: Tâm, Quán chiếu, riêng 2 ca khúc Hương, Hạt bụi và hoa quỳnh phổ thơ của Võ Ngọc Thọ. Nhạc sĩ trẻ Trần Trung Tích 6 ca khúc: Phía không anh (phổ thơ Vũ Nguyên), Mẹ bỏ quên (phổ thơ của Trịnh Hoài Linh), Dòng suối ấy, Sài gòn mưa và em, Hoàng Gia đêm, Em và tôi-Đà Lạt.  Nhìn chung, 10 ca khúc của 2 nhạc sĩ thuộc 2 thế hệ khác nhau nên cách thể hiện khác nhau nhưng nét giai điệu đẹp, sâu lắng, gắn kết ca từ giản dị, mộc mạc, dễ lắng sâu vào thế giới nội tâm của người thưỏng thức,

Lực lượng chính tham dự trại viết năm nay là những cây bút thơ Bình Định đã được công chúng yêu thơ biết đến. Trong không khí dịu dàng tươi mát của đất trời Đà Lạt, các  nhà thơ tập trung trí tuệ vào việc chắc lọc ngôn ngữ thơ ca thể hiện niềm xúc cảm của mình. Nhã Thiên thể hiện tính triết lý qua 3 bài thơ: Sự mâu thuẫn đồng nhất, Bắt đầu sự lặp lại, Hư vô và quên lãng. Vân Bích mộc mạc giản dị trong cuộc sống đời thường nhưng giàu cảm xúc: Vần thơ vĩnh biệt, Bệnh viện xanh sạch đẹp, Đợi chờ, Hoa Đà Lạt, Nghĩ về hoa, Cát bụi, Cây bách già. Đào Viết Bửu trữ tình, lãng mạn: Thạch lan, Phù dung, Có khi như thế, Con mắt. Trịnh Hoài linh chạnh lòng với thực tế cuộc sống đời thường: Tiếng kèn nhựa, Trước đĩa ve rán ở nhà hàng cao cấp, Về làng. Với phong cách chững chạc của một nhà giáo, Trần Thanh Phương lặng lẽ đi, lặng lẽ về và lặng lẽ viết. Nhưng Sáng tác mới của anh không lăng lẽ chút nào. Thử triết lí cùng Đà Lạt, Bài ca ông lão Móm, Nghe ve sầu Đà Lạt, Hoa hậu về phố, Gửi những gười yêu thơ. 5 sáng tác mới của nhà thơ Trần Thanh Phương được bạn bè chuyền tay nhau đọc,  được nhạc sĩ Nguyễn Văn Xứng, nhạc sĩ Trần Trung Tích tranh thủ phổ thơ. Đặc biệt, nhà thơ Võ Ngọc Thọ sau chuyến du hành khắp đất trời Đà lạt, anh đã viết 5 bài thơ về Đà lạt bằng giọng thơ tài hoa và phong cách thể hiện rất riêng của anh:  Về sự trong sạch, Đà Lạt một lần tôi đến, Kiếp sau, Hoa lồng đèn, Vào thăm bảo tàng Đà Lạt, Đi xe ngưa quanh Hồ Xuân Hương, Cuối trời lãng đãng.

Lực lượng viết văn xuôi tham gia trại viết lần này tuy rất mỏng, nhưng tác phẩm lại khá dày dặn, vững chắc tay nghề  với hai truyện ngắn: Chuyện chưa kịp đặt tên, Cái chết của ngài giám đốc của Trần Quang Lộc. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên trại sáng tác VHNT Bình Định có sự góp mặt thể loại kịch bản sân khấu. Bằng sức trẻ đang lên, kết hợp với lòng say mê nghệ thuật, nhà viết kịch Trần Thế Nhân dồn hết tâm huyết và trí tuệ vào việc hoàn thành sáng tác mới của mình. Sau 8 ngày miệt mài, trăn trở  trên từng trang bản thảo, Trần thế Nhân đã gửi về ban tồ chức vở kịch ngắn Niềm tin. Theo dự kiến của tác giả, vở kịch sẽ được dàn dựng trong thời gian sắp tới.
         Nhìn chung, mặc dù ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, cách thể hiện khác nhau, phong cách diễn đạt khác nhau, nhưng 68 sáng tác phẩm (trong đó có trên 50% viết về Đà Lạt) của kỳ trại lần này cùng phản ánh một cách tinh tế, sắc sảo, sinh động về đời sống kinh tế-văn hoá-xã hội của đất nước nói chung, của thành phố Đà Lạt nói riêng bằng thế mạnh của văn chương nghệ thuật.
         Ngoài việc tập trung trí tuệ  hoàn thành tác phẩm, Ban tổ chức trại tranh thủ thời gian đưa đoàn đi tham quan những danh thắng Đà Lạt, giúp cho văn nghệ sĩ tích luỹ thêm vốn hiểu biết về một thành phố cảnh sắc thiên nhiên kì vĩ, thơ mộng, về con người Đà lạt hiếu khách, cần cù, sáng tạo trong lao động. Nghe Đoàn Bình Định mở trại tại Đà Lạt, một số văn nghệ sĩ Hội VHNT Lâm Đồng như Vũ Nguyên, Vũ Dậu, Minh Hạnh, Lê Công, Phạm Quốc Ca, Võ Khắc Dũng đến thăm và chia vui cùng anh em, tạo ra nguồn hưng phấn giúp anh em có thêm nhiều sáng tác mới, nhất là về mảng thơ và nhạc.Trong số văn nghệ sĩ Lâm Đồng đến thăm thiếu vắng cây bút thơ Đào Hữu Thức, người con của quê hương Bình Định và cũng là cộng tác viên tạp chí Văn nghệ Bình Định đang sinh sống tại TP Đà Lạt. Đào Hữu thức làm thơ không nhiều nhưng anh có nhiều câu thơ hay. Nhớ quê ai nhớ trật bao giờ. Đó là một trong những câu thơ tâm đắc của anh. Câu thơ mộc mạc, giản dị nhưng đã để lại trong thế giới nội tâm người yêu thơ và người làm thơ của Bình Định – Lâm Đồng một tình cảm tốt đẹp. Được biết nhà thơ Đào Hữu Thức đang bị bệnh hiểm nghèo, đoàn lập tức cử người đến nhà thăm anh và mong anh sớm bình phục để tiếp tục cuộc hành trình sáng tạo của người cầm bút
Một điểm nhấn đặc biệt của trại sáng tác lần này là, nhân chuyến công tác tại Lâm Đồng, PGS-TS Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận- Phê bình VHNT Trung ương ghé thăm trại sáng tác của anh em văn nghệ sĩ Bình Định. Nhân dịp này, PGS-TS Hồng Vinh đã có lời động viên anh em trong đoàn cần phải qúan triệt sâu sắc chủ trương đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng, thấm nhuần Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. PGS-TS Hồng Vinh hy vọng rằng, văn nghệ sĩ Bình Định dự trại lần này sẽ có những sáng tác mới đạt giá trị cao về nội dung tư tưởng lẫn nghệ thuật diễn đạt góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, phát huy và giữ gìn nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc. Thay mặt anh em trong đoàn, trưởng đoàn Trần Quang Lộc cảm ơn TS Hồng Vinh đã ghé thăm và có ý kiến chỉ đạo bổ ích thiết thực. Anh em trong đoàn hứa sẽ không làm cho TS phải thất vọng.
Trong buổi tổng kết bế mạc trại cũng là buổi giao lưu thơ - nhạc giữa đoàn Bình Định và anh chị em văn nghệ sĩ Hội VHNT Lâm đồng. Buổi giao lưu diễn ra trong không khí đoàn kết, thân mật. Đây là dịp giúp cho văn nghệ sĩ 2 tỉnh hiểu biết lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong lao động sáng tạo.
            Thời gian 10 ngày tham dự trại viết không phải là quá dài cũng không thể gọi là qúa ngắn để có một tác phẩm hay. 68 sáng tác mới VHNT của 15 tác giả dự trại có thể chưa là tác phẩm đạt đến đỉnh cao văn chương nghệ thuật, có thể chưa được công chúng nhiệt tình đón nhận, nhưng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức và sự say mê sáng tạo của văn nghệ sĩ  Bình Định suốt thởi gian tham dự trại. Qua đợt tham dự trại lần này, cảnh quan thiên thơ mộng của đất trời Dalat mãi mãi là nguồn cảm hứng giúp cho anh em Văn nghệ sĩ Bình Định sẽ cho ra mắt bạn đọc những tác phẩm xuất sắc viết về xứ sở ngàn hoa và mơ mộng.
                                                                                                      Đà Lạt, 28/5/2012
                                                                                                                   DT
                                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét