Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Mai muộn

MAI MUỘN

                                                                                    Truyện ký: Trần Quang Lộc

      Tháng 8 vừa qua, nhân chuyến về quê dự đám cưới cô em họ, tiện đường, tôi ghé thăm vợ chồng anh Hiền ở Nhơn An, thị xã An Nhơn. Ñaõ laâu, anh em chưa có dịp gặp nhau, mặc dù tôi và anh Hiền rất quý nhau, coi nhau như anh em một nhà. Tốt nghiệp đại học trước tôi, nhưng anh chán cảnh quan trường, thích đời dân dã.
     Vừa thấy mặt tôi, anh đã chửi sa sả:
     -Mày là thằng bất nghĩa, bất trí. Là dân thành thị rồi nên đâu còn nhớ đến ông anh sống lam lũ ở cái xó quê mùa mộc mạc này!
     Biết cái tính của anh bộc trực thẳng thắng, nhưng sống rất có tình. Đáng sợ nhất là những thằng đểu cán, miệng ngọt lịm như mía lùi nhưng trong bụng thì sâu hiểm khôn lường Tôi cười, bảo:
     -Anh cũng là dân thị xã. Dân thị xã với dân thành phố có gì khác nhau ? Anh bỗng bật cười:
     -Khơ khớ..Lên đời cho oách vậy thôi chứ…À, chú có đưa thiếm cùng về không?
     -Nhà em bận công tác nên không về dự ngày cưới của cô em được, mấy ông chú bà cô trách móc quá trời luôn đó!
    Thấy nhà cửa khang trang, thoáng mát; vườn tượt hoa trái sum suê; ở một góc vườn, tiếng gia súc gia cầm hoà quyện nhau tạo thành diệu nhạc miền quê nhiều cung bậc. Tôi rất mừng cho cuộc sống hiện tại của vợ chồng anh, bù lại những năm tháng tất bật, ngược xuôi khắp Trung - Nam - Bắc bởi cuộc mưư sinh gian nan vất vả. Gặp lại lần này, anh Hiền không nói chuyện Đông-Tây–Kim-Cổ, không đề cập đến văn chương thi phú mà tập trung vào đề tài phát triển kinh tế gia đình, cụ thể là việc chăn nuôi, trồng trọt. Anh Hiền bê ra một thẩu rượu rắn to tổ bố rót ra 2 ly con, đẩy một ly về phía tôi, hồ hởi tâm sự:
   -Bốn năm trước mình gặp may chú à, Lão hàng xóm, nhà sát bên cạnh theo con vào Sài gòn sinh sống, laõ sang nhượng lại khu vườn cho mình với giá hữu nghị. Thời buổi tất đất tất vàng, vợ chồng mình dồn hết tâm sức vào việc chăn nuôi và trồng mai kiểng. Nói chú em mừng, dân thôn quê thời nào cũng vậy, sống nhờ vào ruộng vườn. Bà xã hiện đang chăm sóc mấy chú heo để kịp tết xuất chuồng, gà thì cũng vài chục, chủ yếu là gà “chân đất”, là giống gà thả rông trong vườn có lưới B40 bao bọc chung quanh. Còn anh thì đang làm chủ trên một ngàn chậu mai xuân. Nếu trời thương, tết nay anh thu vào nửa tỷ bạc là cái chắc. Anh Hiền ngửa cổ nốc cạn ly rựou rắn vàng óng như mật ong rồi dộng trôn ly xuống mặt bàn đánh “cạch”, giọng đầy phấn khích: 
    -Trong cuộc mưu sinh việc thành bại là do bàn tay và khối óc của con người. Thời vận là cái con mẹ gì chứ? Nhiều kẻ bất tài cứ đổ thừa thời vận! Hiền bỗng đứng phắt dậy đưa năm ngón tay chai sần chộp lấy cổ tay tôi lôi tuột ra phía sau nhà rồi dừng lại trước một vườn mai một màu xanh ngắt, đưa tay phất qua phất lại như một viên tướng đang chỉ huy trận địa-Chú em thấy chưa? Trên ngàn gốc mai giống quý, chi nhánh, gốc rễ rất nghiêm. Ông sức vợ chồng anh đổ ra gần bốn năm trời. Nếu mưa thuận gió hòa, cuối năm vợ chồng anh hốt bạc! - Hiện nay, phong trào chơi mai kiểng đang lan rộng trong Nam ngoài Bắc. Năm nào cũng vậy, khu chợ hoa TP Quy Nhơn vào những ngày giáp tết rực rỡ trăm hồng, ngàn tía. Nhưng cái màu vàng tao nhã, sang trọng với mùi hương quý phái, thanh khiết của hoa mai như có một hấp lực cuốn hút dân chơi mai sành điệu vào mấy cửa hàng mai kiểng tranh thủ bưng bê, không cần phải trả giá. Sáng 30 tết dù có lội khắp khu chợ hoa cũng không tìm ra một chậu mai ra hồn. Mà có rẻ đâu, giá bèo nhất cũng phải năm trăm ngàn trở lên. Căn cứ vào xu hướng của dân chơi cây cảnh sành điệu hiện nay, vào vườn mai kiểng tươi tốt đầy hứa hẹn, tôi tin điều mơ ước của anh Hiền sẽ trở thành hiện thực. Tôi cũng mong như vậy. Anh Hiền đến mấy chậu mai gần nhất, vừa ngắt bỏ mấy cái lá úa, vừa bảo tôi, hôm nào về dự ngày tảo mộ ông bà, tiện đường ghé lại lấy vài chậu mang về chơi mấy ngày tết. Chợ hoa thành phố năm nào mai kiểng cũng cao giá lắm. Tôi cảm ơn và hứa chắc trước tết sẽ xin anh một chậu, khỏi phải ra chợ hoa chen lấn như mọi năm.                                                         
                                                                          * 
Hôm 26 tháng chạp, tôi về quê dự ngày tảo mộ cánh họ Trần. Trên đường về lại Quy Nhơn, tôi ghé nhà thăm anh Hiền, luôn tiện mang chậu mai kiểng về chơi tết. Trước khi đến nhà anh, thằng em trai chuẩn bị cho tôi 2 sợi dây cao su để tôi buộc chậu mai vào yên xe cho chắc. Đường xa trên 39 cây số, không khéo chậu mai đổ bể dọc đường thì xui xẻo lắm! Đến nhà anh, qua ô vuông của cánh công ngõ, tôi bắt gặp anh Hiền đang ngồi trên bậc tam cấp trước hiên nhà, vắt chân chữ ngũ, nét mặt buôn hiu nhìn khoảng trời xanh mây trắng. Nghe tiếng tôi, bằng giọng ỉu xìu, anh bảo:
     -Vào đi chú em, cửa ngỏ chỉ khép hờ thôi. Liếc nhìn vườn mai đang trụi lá trơ cành trong tiết trời se lạnh cùa ngày cuối Chạp, tôi đoan chắc anh đang có tâm sự không vui. Đưa tôi vào nhà, rót ly nước trà còn đang bốc khói đẩy về phía tôi, bảo:
    -Chú em uóng nước đi. Chợt nghe thiếu vắng bản hoà tấu miền quê đa âm sắc ờ góc vườn, tôi hỏi:
    -Chị đâu rồi anh? Anh Hiền thở dài chia sẻ: -Đầu tư heo qué ngang ngỗng thất bại thảm hại nên quay trở lại nghề may trên thị trấn rồi - Anh đột ngột đề nghị
     - Chú ở lại chơi với anh, mai hãy về nghen, đề anh xuống bếp làm dĩa cá rô chiên xù, nhà có sẵn rượu ngon, anh em minh nhậu một bữa cho thật đã đời. Biết anh đang cần có người chia sẻ nên không dám hứa lèo, cũng không nỡ từ chối cuộc nhậu, với lại trời vẫn còn sớm. Hơn nửa xị, men rượu đã ngấm, mặt đỏ gay, anh đưa năm ngón tay chai sần chồm tới quặp vào vai tôi lắc lắc, giọng nhừa nhựa:
     -Việc thành bại trong cuộc mưu sinh chủ yếu là tuỳ thuộc vào thời vận, không tài cán con mẹ gì sất. Vận may chưa đến coi như đứt cái đụt. Chú em xem, vườn mai trên ngàn chậu của anh đó, giờ này búp chưa bóc vỏ trấu. Người ta cùng lặt lá một lượt nhưng đã có hoa lác đác rồi, tết có hàng giao cho bọn đầu nậu, có tiền rủng rẻng. Còn mai của anh…..Anh Hiền nâng ly rượu lên ngửa cổ nuốt ực một phát rồi dộng trôn ly xuống mặt bàn - Còn mai của anh thì…bọn nó bảo giống mai ghế! Ra hoa vào dịp 8 tháng 3 phục vụ chị em! Chú thấy có tức điên người không chứ?
      Tôi cố nhịn cười, động viên:
     -Thôi, nhậu đi anh. Chuyện nhỏ. Lần đầu theo nghề trồng mai nên chưa có kinh nghiệm trong khâu chăm bón. Các loại hoa kiểng khác tết không tiêu thụ được thì coi như mất trắng. Nhưng mai kiểng thì khác, tết năm này không bán được thì chờ tết sang năm. Gốc càng già giá càng cao mà.
     Một góc chiều quê yên bình của ngày cuối Chạp, ngồi nhâm nhi ly rượu rắn, cá rô chiên xù vói người anh mà cũng là bạn vong niên thuộc thành phần nông dân thứ thiệt, nói chuyện trên trời dưới biển, lòng tôi rất thanh thản, còn hơn ở nhà hàng khách sạn mà phải đối mặt với bọn bất tài, chỉ giỏi ba hoa, bốc phét! Thì ra, trong cuộc đời này cũng còn có cái đáng yêu! Tôi bỗng cao hứng phát động phong trào:
      -Nào, Zô chăm phần chăm!
                                                                    Một góc chiều quê - 2013
                                                                                   T.Q.L

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét