Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Truyện ngắn Mộng và thực

Trần Quang Lộc
                     MỘNG VÀ THỰC
                                      Truyện ngắn
Bóng đèn 40W treo lủng lẳng bên ngoài hành lang hắt vào phòng giam số 6 mảng ánh sáng lờ nhờ vàng nhợt đủ để nhìn thấy ba hình người gầy rạc, râu tóc bờm xờm, quần áo tả tơi đang nằm co quắp trên sàn nhà lạnh lẽo. Đó là ba người tù đang bị án hai mươi năm khổ sai về tội chống phá chế độ. Họ đã tồn tại trong cái địa ngục trần gian này hơn nửa thời gian thụ án.
Bỗng một trong ba hình người đó ngồi bật dậy như cái xác chết đột ngột hồi sinh, mắt hướng về phía chấn song sắt ăn thông ra hành lang, lắng tai nghe ngóng, chờ đợi... Giờ này, toàn khu trại giam chìm trong cơn ác mộng. Thỉnh thoảng, tiếng kêu rên thảm thiết của tù nhân bị tra tấn lúc ban chiều cùng với tiếng ngái ngủ ú ớ vọng đến văng vẳng mơ hồ như từ trong cõi chết. Rất yên tâm, người tù tuổi trung niên ra hiệu cho hai người bạn ngồi dậy, rồi thận trọng rút từ trong gấu áo ra một tờ giấy nhàu nát có vẽ hình ngoằn ngoèo và ghi mấy dòng chữ nguệch ngoạc, trải ra sàn nhà. Lập tức ba cái đầu tóc râu tua tủa chụm lại trên mảnh giấy đó. Người tù trung niên nói rất khẽ: 

-Đây là bản sơ đồ hệ thống thoát nước ngầm của toàn khu trại giam do một công nhân từng tu sửa công trình này vẽ ra. Hiện ông là người trong tổ chức của ta. Bản sơ đồ này được thẩm tra kỹ và chuyển vào bằng đường dây mật. Ông dí ngón tay gầy đét lên một chấm đỏ trên bản sơ đồ - Nơi xuất phát của các cậu là chỗ này. Đấy là hố ga cuối cùng của hệ thống, cách bãi mìn sau lưng trại giam khoảng ba mươi thước. Người tù trung niên dừng lại, thận trọng nghe ngóng động tĩnh. Thấy không có gì khả nghi, anh tiếp tục thì thầm - Từ chỗ này, các cậu phải vượt qua hơn tám trăm mét trong lòng cống ngầm để đến một con sông lớn. Người của ta sẽ đón các cậu tại đây (ngón tay của anh dùng lại trên một chấm xanh của bản sơ đồ như tờ giấy loại).
Một trong hai người tù còn rất trẻ lên tiếng:
-Liệu đường kính lòng cống có thể đủ để ...
Người trung niên hóm hỉnh ngắt lời:
-Yên chí. Rồi các cậu sẽ nhảy tung tăng trong đó.
Người tù trẻ còn lại tỏ vẻ lo lắng:
-Còn mực nước trong lòng cống mùa này?!
Giọng người trung niên rất khẽ nhưng đầy thuyết phục:
-Về việc này, tổ chức bên trong của ta đã lo liệu rất chu đáo. Các cậu cứ ổn định tư tưởng để chuẩn bị cuộc ra đi. Người của ta cũng sắp đến đón các cậu.
Ba người tù ngồi lặng lẽ dưới ánh sáng âm u lạnh lẽo trong phòng giam. Họ đang nghĩ đến cuộc vượt ngục đầy mạo hiểm có thể trả giá bằng sinh mạng của chính họ để đổi lấy sự tự do. Và họ cũng không tránh khỏi giây phút chạnh lòng trước lúc chia tay không hẹn ngày gặp lại. Một giọng trẻ đầy xúc động:
-Anh Tư ! Hay là chúng ta cùng thoát. Sống chết có nhau ?
-Tổ chức bên ngoài đang rất cần lớp trẻ đầy năng lực và có tâm huyết cách mạng như các cậu. Anh em trong tù cũng không thể thiếu tôi. Mỗi người một trách nhiệm, cũng đòi hỏi sự hi sinh mất mát. Rồi chiến tranh kết thúc, mình sẽ gặp lại, lo gì.
Ngay lúc ấy, có tiếng động nhỏ ngoài hành lang. Ba người tù vội nằm xuống, giả như đang say ngủ nhưng mắt vẫn hướng về chấn song sắt, yên lặng, chờ đợi, ... Bỗng một người mặc sắc phục cảnh sát xuất hiện. Anh nhẹ nhàng mở khóa chấn song.
Sau khi hai bên xác nhận ám hiệu, người mặc sắc phục cảnh sát giục khẽ:
-Các anh khẩn trương theo tôi kẻo muộn.
Hai tù trẻ đứng bật dậy như hai chiếc lò xo. Họ cùng nắm chặt lấy bàn tay xương xẩu của người tù trung niên, ngậm ngùi :
-Anh Tư ở lại ráng giữ gìn sức khỏe. Bọn em hứa sẽ luôn xứng đáng với niềm tin yêu của anh.
Người trung niên mang tên Tư cố nén xúc động :
-Chúc cuộc hành trình về với tổ chức cách mạng của các cậu gặp nhiều may mắn.!
Hai người tù chưa nỡ xa rời người bạn, người anh cả, người thầy đáng kính đã từng động viên, an ủi, tiếp thêm sức mạnh tinh thần giúp họ vượt qua những năm tháng trong chốn lao tù đầy gian khổ. Người trung niên cất giọng đỉnh đạc :
-Người cách mạng đôi lúc cũng phải biết hi sinh tình cảm riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ. Các cậu phải rời gấp nơi đây, không được chậm trễ.
Cực chẳng đã, hai tù trẻ phải rời đôi bàn tay ấm nóng rất đỗi thân thương rồi thoăn thoắt bước theo người đàn ông mặc sắc phục cảnh sát.
Rời khỏi phòng giam, ba người thận trọng lần dò trong bóng tối hướng về phía sau lưng trại giam. Khi băng ngang qua dãy hố xí, bất ngờ cả ba người bị một luồng ánh sáng từ trên vọng gác ập xuống, tiếp đến là giọng quát nạt:
-Đi đâu đó!?
Trong lúc hai tù trẻ vô cùng thảng thốt thì người cảnh sát lại rất bình tĩnh:
-Hai thằng phòng 6 bị ngộ độc thức ăn nên phải đưa lên trạm xá cấp cứu.
-Bọn tù chính trị liều lắm. Chiến hữu phải hết sức thận trọng.
Hai tù trẻ nhanh trí giả bộ ôm bụng, khòm lưng, mặt lộ vẻ đau đớn. Người mặc sắc phục cảnh sát vỗ vỗ vào bao súng bên hông trả lời:
-Yên chí, thằng nào trở chứng bắn bỏ!
Đèn pha trên vọng gác vụt tắt. Ba người tiếp tục mò mẫm trong bóng đêm dày đặc đầy bất trắc đang chờ đợi. Đến một bãi đất trống, lúp xúp những bụi gai bàn chải, người dẫn đường dừng lại căn dặn :
-Trước mặt là bãi mìn mà chúng ta sẽ vượt qua. Các anh phải hết sức thận trọng dẫm lên đúng từng dấu chân của tôi. Chỉ một sơ suất nhỏ là mìn nổ tan xác. Hàng ngàn người mạo hiểm vượt trại đã bỏ mạng tại đây.
Ba bóng người lặng lẽ, dò dẫm bám sát theo nhau nhích lên từng bước trên bãi mìn dày đặc. Hai người tù trẻ phó thác sinh mệnh của mình cho người dẫn đường. Người dẫn đường lại trông cậy vào trí nhớ và độ chính xác tuyệt đối của mình. Thỉnh thoảng, anh dừng lại ngửa mặt lên bầu trời đầy sao như cầu nguyện. Mặc dù thời tiết đang độ gió mùa đông bắc tràn về, lạnh như cắt da, vậy mà mồ hôi của họ cứ toát ra như tắm, miệng khô đắng, đầu óc căng thẳng tột độ, mắt căng tròn dõi theo từng dấu hiệu an toàn nhạt nhoà trong bóng tối. Bất chợt, một tiếng "tách" lạnh ngắt phát ra từ dưới bàn chân người đi trước khiến cả ba người giật thót mình và cố hết sức ghìm lại tiếng thét tuyệt vọng:
-Mìn !
Theo phản ứng tự nhiên, cả ba chỉ còn biết nằm bẹp tại chỗ chờ đợi cái chết thật khủng khiếp với những tiếng nổ long trời xé toạt màn đêm và những vì sao lả tả rơi rụng. Nhưng một giây, hai giây rồi năm giây nặng nề trôi qua, đêm vẫn lặng lẽ, những ngôi sao vẫn lấp lánh trên bầu trời đen kịt. Người dẫn đường bỗng cười khùng khục trong cổ họng:
-Lại đạp phải mìn thối!
Nỗi kinh hoàng trôi qua, ba người lại tiếp tục vượt phần bãi mìn còn lại trong trạng thái thần kinh căng thẳng tột độ. Rồi tất cả cũng qua đi. Họ bình yên thoát khỏi vùng đất tử thần để đến vị trí an toàn. Trong lúc niềm vui còn đang đọng lại trên từng khuôn mặt thì người dẫn đường lên tiếng:
-Nhiệm vụ của tôi đến đây là hết. Các bạn cứ tiếp tục đi theo hướng này sẽ gặp người của ta. Nhớ phải hết sức thận trọng giữ khoảng cách tối đa với hàng rào kẽm gai, vì ở đó có hệ thống báo động, và nguy hiểm hơn nữa là có mang dòng điện cao thế. Chúc các anh may mắn!
Chia tay đồng đội, hai người tù thận trọng trường mình trên bờ cỏ dày thấm đẫm sương đêm. Thỉnh thoảng họ dừng lại để thở. Người đi trước đang bấu víu vào một bụi cây để nhoài người lên phía trước thì bị một vật gì đó sắc nhọn cắm phập vào mu bàn tay đau nhói rồi có tiếng phì phì lảng xa dần. Anh cố ghìm lại tiếng kêu thảng thốt :
-Rắn hổ ! Mình bị rắn hổ cắn !
Người phía sau vọt lên kê miệng đúng vào chỗ vết thương của bạn hút lấy nọc độc nhổ ra ngoài. Anh làm vậy là theo phản ứng tự nhiên, theo kinh nghiệm truyền đời chứ không chút kỳ vọng khi đã bị rắn hổ cắn. Trong điều kiện không có phương tiện cấp cứu tối thiểu, người bị rắn cắn đành tuyệt vọng nằm ngửa mặt lên trời chờ cái chết ập đến trong giây phút. Thoát khỏi cái chết vì mìn thì cũng chết bị rắn độc! Rồi năm phút, mười phút,....hai mươi phút nặng nề trôi qua, người bị rắn cắn vẫn cảm thấy nhịp tim bình thường, không có triệu chứng buồn nôn, vết thương không có dấu hiệu nguy hiểm. Thì ra, có thể trước khi cắn người, con rắn hổ đã xơi nguyên môt con chuột đồng to bự nên nọc độc đã phát tiết ra hết. Nhờ vậy mà vết thương của người tù chỉ như một vết gai cào. Thoát hiểm, họ lại tiếp tục mò mẫm trường người lên phía trước....
Đến một khúc ngoặc, gần gốc cây gạo tàn nhánh um tùm, quả nhiên có một người đàn ông cao lớn, mình mẩy lấm đầy bùn đất đón lại:
-Các anh đến trễ lắm. Mau theo tôi.
Người đàn ông mới xuất hiện đưa hai bạn trẻ đến một miệng hầm đen ngòm, giải thích cặn kẽ :
-Đây là điểm khởi hành. Ngay từ đầu hôm, chúng tôi đã đắp ngăn dòng nước thải về phía thượng lưu. Nhờ vậy mà mực nước trong lòng cống từ chỗ này trở ra sông đã rút cạn. Các anh phải hết sức khẩn trương. Sức chịu đựng của bờ chắn có hạn, mực nước phía thượng lưu mỗi lúc một dâng cao. Trong lòng cống lại thiếu dưỡng khí. Mọi sự chậm trễ trong đường ngầm sẽ hết sức nguy hiểm đến tính mạng. Nhiệm vụ của tôi chỉ có vậy. Chúc các anh thành công.
Hai người tù siết chặt bàn tay to bè, chai cứng của người đàn ông rồi định quay đi. Người đàn ông vội ngăn lại, bảo:
-Các anh cầm lấy cái này. Nó rất cần cho các anh đấy!
Một trong hai người tù mừng rỡ tiếp nhận chiếc đèn pin còn mới toang rồi lần lượt tụt xuống miệng hầm đen ngòm lạnh buốt, nồng nặc mùi hôi. Nhờ ánh sáng cây đèn pin, hai người tù trẻ nhận ra mình đang đi trong lòng cống ngập ngụa sình lầy và lổn ngổn đủ các loại rác bẩn  lẫn với xác kẽm gai, mảnh chai, ... Do lòng cống thấp, họ phải gù lưng, người nọ nối theo người kia lần dò từng bước. Càng đi sâu vào trong, khí lạnh càng tăng, mùi hôi thối càng nồng. Họ có cảm giác như đang tách rời sự sống để đi vào cõi địa ngục thăm thẳm. Người cầm đèn pin bị vướn phải mấy cọng kẽm gai, anh đưa tay gỡ, bất chợt, chiếc đèn pin tuột khỏi tay, mạch điện bị chập. Thế là hai bạn tù vượt ngục bị chôn vùi trong bóng tối mịt mùng. Thật hãi hùng và tuyệt vọng ! Thị lực không còn phát huy tác dụng nữa! Họ chỉ còn trông cậy vào các giác quan còn lại, kể cả giác quan thứ sáu để cảm nhận mọi vật chung quanh. Với tình yêu cuộc sống và niềm khao khát tự do, hai tù trẻ bất chấp mọi nguy hiểm đang chờ đợi phía trước, họ lần dò từng bước trên lớp sình sền sệt đầy rác rưởi trong lòng cống hôi hám tối tăm để tiến lên ...
Người đi sau bỗng cất giọng mệt nhọc :
-Mình thấy khó thở lắm !
Người đi trước vẫn không quay lại, động viên:
-Cố lên, do thiếu dưỡng khí đấy thôi.
Họ lặng lẽ lần dò từng bước trên lớp sình tiến lên phía trước...
Càng đi sâu vào trong, thân thể mỗi người như bắt đầu rệu rạo. Hệ thần kinh tê liệt dần, các giác quan cũng lười nhác ! Qua xúc giác, cả hai bỗng lơ đễnh cảm thấy hình như có một vật gì đó lạnh ngắt đang bò dần từ bắp chân lên đến đầu gối, đến háng ... Có lẽ là rắn hoặc một loại sinh vật nào đó thường sống ở chỗ ao tù nước đọng ? Nhưng sau đó, họ cố tập trung khả năng nhận thức như đang bị tản mạn khắp mọi ngóc ngách trong cơ thể để hiểu ra: Mực nước trong lòng cống đang từ từ dâng cao. Có lẽ bờ chắn nước phía thượng lưu bị vỡ nên nước trong lòng cống thoát không kịp phải dềnh lên ? Nếu quả vậy, cái chết chỉ còn trong gang tấc. Họ nghĩ thế. Nhưng bản năng sinh tồn và niềm khao khát tự do vẫn cứ thúc họ tiến lên phía trước. Khốn khổ thay, mực nước trong lòng cống mỗi lúc một dâng nhanh, còn mức tiến của họ càng lúc thêm chậm lại. Khi mực nước lên đến ngang bụng, họ bắt đầu thấy khó thở, đầu óc mụ dần ...
Trong khi thần chết đang đuổi gấp sau lưng thì người tù đi trước đụng phải một bức vách chắn ngang lòng cống. Trong vô thức, anh cứ đưa tay mò mẫm một cách tuyệt vọng trong bóng tối sâu thẳm. Sinh lộ bị bịt kín, thần chết đang đuổi theo sát gáy, anh bỗng nghe sự sống đang réo gọi anh một cách mơ hồ. Thực ra đó chỉ là tiếng róc rách của dòng nước bị rác bẩn tích tụ lâu ngày hình thành một bờ chắn  nửa vời cản lại. Tình yêu cuộc sống và bản năng sinh tồn trong anh lại bùng lên như ngọn lửa khiến anh dồn hết tàn lực vào đôi bàn tay xưởng xẩu, lần mò bới móc dần từng lớp rác để vừa có đủ chỗ thoát thân ...
Một lúc sau, vách ngăn bị khoét thủng một khoảng lớn, nước chảy ào ào, mực nước hạ thấp đột ngột, không khí bên trong lòng cống dễ thở hơn. Anh bỗng gào lên bằng âm giọng như được phát ra tận đáy nhà mồ.
-Thoát ! Thoát rồi !
Vượt qua bên kia vách chắn, sức lực người tù gần như cạn kiệt. Trong lúc khum người tựa lưng vào thành cống để thở, anh bỗng cảm thấy một vật gì đó mềm mềm, âm ấm vướng vào bắp chân. Anh cuối xuống mò mẫm theo quán tính. Bất chợt lý trí của anh một lần nữa loé sáng để cảm nhận một sự việc hết sức nghiêm trọng đang xảy ra. Anh thảng thốt gọi lớn:
-Bá ! Bá ơi !
Giọng anh âm u vang vọng nhưng tuyệt nhiên không lời đáp. Không nghi ngờ gì nữa, anh cuối xuống ôm lấy xác bạn còn ấm nóng nấc lên ! Một lúc sau anh lại chìm lĩm trong cõi vô thức. Anh đứng lên hì hục lôi lấy xác bạn trên sàn cống đã cạn nước. Được một đoạn ngắn, bàn tay lạnh ngắt của người tù xấu số đã tuột khỏi tay anh. Anh lững thững tiến lên phía trước như kẻ vô hồn. Rồi đôi chân của anh cũng không còn sức để nâng cái thân thể còm nhom của chính anh nữa, anh ngã nhoài về phía trước rồi theo bản năng, trườn lên từng tấc hướng về một mảng tròn trắng đục treo lơ lửng từ phía xa tít tắp ...
Không khí trong lành tươi mát của buổi bình minh oà đến vỗ về khiến người tù vượt ngục dần dần hồi tỉnh và nhớ ra mình vừa tụt khỏi bàn tay thần chết để trở về với cuộc sống, với tự do. Hình ảnh đầu tiên ập vào mắt anh là khoảng trời xanh lồng lộng phơn phớt sắc hồng. Nước mắt anh bỗng trào ra trong niềm sung sướng vô tận. Anh cố gượng dậy, ngước mắt nhìn bầu trời xanh khoáng đãng rồi dang rộng cánh tay, gào lớn :
-Tự do ! Ta được tự do thực sự rồi!
Bỗng có ai đó lay gọi khiến anh tỉnh giấc mộng chiều và nhận ra mình đang nằm trên sàn phòng giam số 6 giữa buổi chiều nhập ngoạng, chính là phòng giam mà gần ba mươi năm về trước anh đã trải qua ... Mồ hôi anh vã ra như tắm, đầu nặng chịch, miệng khô khốc còn tay chân thì run lẩy bẩy. Giấc mộng chiều đã tái hiện khá đầy đủ về cuộc vượt ngục cách đây gần ba thập kỷ do đồng đội đồng bào hết lòng giúp anh trở về với cuộc sống tự do. Vậy mà ngày nay, trong cảnh thanh bình, lúc mọi người đang khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước thì anh không cưỡng được sự mê hoặc của đồng tiền, vội quay lưng lại với quá khứ, với đồng bào, đồng đội, lợi dụng quyền chức che chở đường dây buôn lậu ma tuý. Thế là hết, ăn năn đã muộn ! Anh phải trả giá rất đắt cho việc làm đầy tội lỗi của mình bằng án tù chung thân.
Anh dụi mắt tỉnh hẳn cơn ác mộng và thấy trước mặt mình là vị đại tá công an và một cán bộ quản giáo. Người sĩ quan công an già nhìn anh bằng ánh mắt đượm buồn :
-Cậu mơ thấy gì mà gào thét dữ vậy ?
Không đợi câu trả lời, ông tiếp :
-Thủ tục nhập trại của cậu mình đã làm xong. Cậu có nhắn gì với gia đình không ?
Anh xót xa nhìn người sĩ quan công an, người mà cách đây gần ba thập kỷ đã hết lòng giúp anh thoát khỏi nơi này thì hôm nay, cũng chính ông đưa anh trở lại đây ! Anh kêu lên hai tiếng thảng tốt :
-Anh Tư !
Người sĩ quan công an không kìm được cơn xúc động mạnh. Ông vội vã quay mặt sang hướng khác rồi rời phòng giam, chấn song sắt cũng từ từ khép lại, ngăn cách vĩnh viễn giữa anh và thế giới bên ngoài.
Nằm trong phòng giam số 6, anh thấy nuối tiếc cơn ác mộng mà anh vừa trải qua.

TQL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét